Lăng Kính Doanh Nhân

Làm giàu từ nghề nuôi cá cảnh ở miền quê gió Lào, cát trắng

Thứ sáu, 01/04/2016 14:10 lượt xem: 34864

Trong khi nhiều cử nhân ra trường than vắn, thở dài về nỗi buồn thất nghiệp, thì Nguyễn Thành Công (SN 1990, trú tại khu phố 8, phường 1, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) lại tự tạo cho mình một công việc đúng sở thích và có thu nhập ổn định. Chàng trai trẻ này là người đánh thức thú chơi cá cảnh ở miền quê gió Lào, cát trắng Quảng Trị.

200.000 đồng khởi nghiệp

Những ngày này, quán cá cảnh của Nguyễn Thành Công tấp nập khách vào ra. Họ tìm đến Công để chọn cho mình vài chú cá cảnh ưng ý, nhờ tư vấn cách nuôi, chăm sóc, hay mời về nhà giúp bể cá gia đình. Dẫu mồ hôi ướt đẫm áo, nhưng nụ cười luôn nở trên môi cậu chủ trẻ. Công vui vẻ bảo: "Thế này là rảnh rang lắm rồi. Dịp Tết, em không rời quán được nửa bước. Thậm chí, ngày mồng một Tết vẫn có người điện thoại để nhờ kiểm tra sức khỏe của mấy chú cá".

Tốt nghiệp đại học năm 2012, không loay hoay tìm việc như bạn bè, Thành Công xin bố mẹ mở một quán nhỏ bán cá cảnh và rùa. Quyết định ấy khiến bố mẹ cậu chưng hửng. Lâu nay, ông bà biết con thích chơi cá cảnh. Thậm chí, không ít lần bố mẹ Công phải nhắc nhở vì cậu ăn uống quá dè xẻn chỉ để tiết kiệm tiền mua một chú cá. Tuy nhiên, chơi và bán cá cảnh là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Bố mẹ Công biết, người đời thường quy nghề bán cá là chợ búa xô bồ, "năm xu, một hào". Không nỡ làm Công thất vọng, ông bà quyết định thử thách cậu bằng việc đồng ý cho kinh doanh với điều kiện tự xoay chạy vốn.

Chướng ngại ấy không khiến Thành Công nản lòng. Vét túi còn đúng 200.000 đồng, cậu quyết định mua rùa con và cá thia lia về vừa nuôi, vừa bán. Khách đến với Công buổi đầu chủ yếu qua sự truyền miệng của người thân. Lấy ngắn, nuôi dài, cậu nhanh chóng mở quán bán cá cảnh với gần 50 bể, hơn 30 giống cá. Công tâm sự: "Chuyện kinh doanh không phải lúc nào cũng thuận buồm, xuôi gió. Có lần hàng loạt cá em mới nhập về bị chết sau một đêm. Lúc ấy, chân tay em như nhũn cả ra, phần vì xót cá, phần vì không biết xoay đâu ra vốn để bù đắp vào. Mỗi lúc như thế, chính sự đam mê cá cảnh đã nâng em dậy. Em muốn khẳng định với mọi người rằng mình có thể khởi nghiệp từ một công việc được cho là… làm chơi".

63w1_11a

Bố của Công là người luôn đồng hành cùng anh trên con đường kinh doanh - Ảnh: Tây Long

Khách đến với quán của Công rất đa dạng, từ đại gia bỏ mấy chục triệu mua cá cảnh, đến các em nhỏ đạp xe từ Triệu Phong, Hải Lăng ra Đông Hà để mua vài chú thia lia. Với ai, Công cũng niềm nở, ân cần. Không chỉ chia sẻ kinh nghiệm, cậu còn sẵn sàng đến tận nhà nhiều khách hàng để lắp bể, hướng dẫn vệ sinh, thay nước, chữa trị các chứng chữa bệnh cho cá…

Sự tận tâm ấy đã khiến cái tên "Công lúc nào cũng cá cảnh" ngày càng được nhiều người biết đến. Luôn có các loại cá nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và mức giá mềm so với thị trường, quán của Công rất đông khách. Nhiều chủ cửa hàng trong cũng như ngoài tỉnh đã tìm đến quán, mua cá của Công về để bán. Việc làm ăn thuận lợi mang đến cho cậu doanh thu khoảng 50 triệu đồng/tháng. Một điều đáng mừng khác là từ phản đối, bố mẹ Công đã quay sang ủng hộ cậu và trở thành những "cộng sự" rất đắc lực.

Hiện tại, cửa hàng của Công không chỉ bán cá cảnh, mà còn cung cấp các loại bể cá, máy móc, phụ kiện, thủy sinh, thức ăn, thuốc men dành cho cá cảnh. Nhằm hỗ trợ người yêu cá cảnh, Công thành lập những nhóm đồng sở thích trên mạng xã hội và thường xuyên cập nhật thông tin.

 

Đánh thức một thú chơi

Ai cũng ngạc nhiên bởi Nguyễn Thành Công dành nhiều công sức cho khâu "hậu mãi". Gần như Công gắn trách nhiệm của mình với chú cá dù đã bán cho khách. Giải thích điều này, cậu bộc bạch: "Đối với em, mỗi chú cá mình dày công chăm sóc giống như một người bạn. Em muốn biết chúng sinh trưởng, phát triển như thế nào. Hơn nữa, em cũng hi vọng truyền đam mê cá cảnh cho khách hàng. Một số người đến với cá chỉ vì sự tò mò hay xuất phát từ sở thích muốn làm đẹp không gian sống. Song, chắc chắn khi đã đồng điệu với cá, họ sẽ nhận thấy nhiều điều ý nghĩa".

Thú chơi cá cảnh ở Quảng Trị vốn có từ lâu đời. Tuy nhiên, tình yêu dành cho loài động vật thủy sinh này bị hạn chế phần nào do nguồn cung cá ít ỏi, nguồn gốc không rõ ràng, giá thành lại đắt đỏ. Trong khi đó, người nuôi cá đa phần chưa có bề dày kinh nghiệm. Thế nên, sau đôi lần thất bại, nhiều người không còn kiên trì đeo đuổi đam mê chơi cá cảnh. Chính những bạn trẻ như Thành Công đã đánh thức một thú chơi tao nhã, khiến nó trở nên chuyên nghiệp và có tính cách hơn.

Hiện nay, lớp thiếu niên thường yêu cá La Hán; thanh niên mê cá Rồng; người già chủ yếu thích các loại cá nhỏ để làm cảnh, phục vụ thú chơi cây thủy sinh. Tuy chia ra rành rọt như thế, nhưng tựu trung lại, cả ba giới đều có một điểm chung là có thể quên ăn, quên ngủ để ngồi ngắm hoặc chăm sóc cá.

Theo quan niệm của người chơi cá cảnh ở Quảng Trị, cá gắn với sự linh thiêng, tượng trưng cho điều may mắn. Một chú cá La Hán sinh trưởng tốt chính là điềm phúc của gia đình. Chữ cái tượng hình trên thân cá ngày càng hiện rõ báo hiệu điềm phúc ấy đang được nhân lên. Cá Ông Tiên mang đến cho chủ nhân niềm hi vọng về điều may mắn trong cuộc sống. Sở hữu một cặp cá Ngân Long khỏe mạnh, người nuôi thêm tin tưởng về hậu vận dư giả về tiền bạc. Nuôi một cặp cá "Thần Tài" cũng có nghĩa là ươm mầm tài lộc cho gia đình. Xuất phát từ quan niệm ấy, không ít người sẵn sàng chi từ vài triệu đồng đến cả nghìn đô-la để mua một chú cá.

Việc chăm sóc cá cũng lắm kỳ công từ khâu chọn lựa thức ăn đến vệ sinh bể nuôi, thay nguồn nước sạch… Khác những vật nuôi trong gia đình, cá không biết kêu hay hót. Người ta chỉ có thể cảm nhận nó qua cái nhìn. Thế nên, chủ nhân phải thực sự quan tâm, chú ý đến mọi động tĩnh của cá. Điều đó đã làm nên tính cách của người chơi cá: Điềm tĩnh, chuẩn mực. Ngay như bản thân Công, trước đây cậu vốn là một người khá sốc nổi và nóng nảy, tuy nhiên, từ khi gắn bó với cá cảnh, bản tính ấy của Công đã thay đổi. Vì vậy, Công rất tâm đắc với câu nói được lưu truyền từ bao đời: "Chơi cá dưỡng tâm, chơi chim dưỡng trí, chơi cây dưỡng thần".

Gắn bó với nghề, Nguyễn Thành Công gặp ngày càng nhiều người chung đam mê. Một doanh nhân tên Văn (trú tại TP Đông Hà) đến với cá cảnh khi đang đối diện với những áp lực trong cuộc sống. Nghe bạn bè kháo nhau, chơi cá cảnh giúp tĩnh tâm và bớt ưu phiền, anh đã tìm đến với loại thủy sinh này. Không ngờ khi thấy những chú cá Rồng, anh như bị hút hồn bởi dáng bơi uyển chuyển, điềm tĩnh mà hùng dũng của chúng. Từ đó, anh xem loài cá mang lại may mắn, tài lộc này là người bạn tri kỉ.

Mới đây, có một bà mẹ có con bị trầm cảm tìm đến Công nhờ tư vấn về cá. Nghe lời khuyên của bác sĩ, chị chọn cá như một liều thuốc tinh thần cho con mình. Vài tháng sau, chị dắt con đến quán của Công để chọn thêm những giống cá mới và vui mừng thông báo, cháu đã cởi mở, vui vẻ hơn rất nhiều. Về phần mình, những bậc cao niên thường ghé quán của Công quan niệm mỗi bể cá giống như một xã hội thu nhỏ. Ngồi ngắm cá, họ có thể rút ra nhiều bài học ý nghĩa trong cuộc sống.

Hiện tại, Nguyễn Thành Công đang lên kế hoạch thành lập công ty cá cảnh, đồng thời mở thêm chi nhánh ở các địa phương có tiềm năng. Hơn ai hết, cậu muốn được sống và phát triển niềm đam mê của mình để ngày càng nhiều người đên với thú chơi "dưỡng tâm".

Tây Long 
Theo Báo Biên Phòng

 

Chuyên cung cấp:

  + NLTA cho gia súc-gia cầm: Bã Hèm Bia, Bột Xương Thịt, Cám bắp, Bã nành,DDGS, bã đậu phộng,...

  + NLTA cho thủy sản: Bột đầu tôm, bột cá 45% - 65% đạm, bột gan mực, bột huyết, bột vỏ cua....

 ***LH để có giá tốt : Tell-zalo : 0946 705 238

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện