Thông tin thị trường

Làm gì để phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam?

Thứ tư, 27/06/2018 09:00 lượt xem: 2175

 

Làm gì để phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam?

Thu hoạch tôm ở Nghệ An. Ảnh: Báo Nghệ An​

Với mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD vào năm 2025, ngành tôm Việt Nam đã và đang trở thành tốp đầu các quốc gia nuôi tôm nước lợ trên thế giới.

Hành động quốc gia ngành tôm Việt 

Xác định được giá trị kinh tế mang lại từ con tôm Việt, đầu năm 2018 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025. Theo đó, mục tiêu phát triển ngành tôm Việt Nam trở thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước. 

Cụ thể, ngành tôm đang phát huy tiềm năng về điều kiện tự nhiên, các lợi thế về thị trường, công nghệ chế biến và kinh nghiệm của người dân để phát triển hiệu quả, bền vững, thích với biến đổi khí hậu. Đồng thời phát triển ngành tôm theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và các thành tựu khoa học kỹ thuật mang tính đột phá, thân thiện môi trường, phù hợp với đặc điểm sinh thái từng vùng để tăng năng suất, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, có chất lượng cao. 

Kế hoạch hành động cũng nêu rõ phát triển sản xuất gắn chặt với nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tôm Việt Nam; đầu tư phát triển ngành tôm theo tư duy hệ thống và chuỗi giá trị; trong đó doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt và là động lực của toàn chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ để tạo vùng sản xuất nguyên liệu tập trung quy mô lớn, tạo đầu mối để liên kết với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. 

Theo kế hoạch, giai đoạn 2017-2020, ngành tập trung sản xuất tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm tôm Việt Nam thông qua áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, tổ chức lại sản xuất; xây dựng nền tảng cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững. Theo đó, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ giai đoạn này 710.000ha, ước đạt sản lượng hơn 832.000 tấn, cho giá trị kim ngạch xuất khẩu 5,5 tỷ USD.

Giai đoạn 2021-2025, đẩy mạnh nhân rộng ngành công nghiệp tôm công nghệ cao tại các vùng sản xuất trọng điểm; vùng nuôi tôm hữu cơ được áp dụng công nghệ để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm dựa trên các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật được đầu tư đồng bộ. Với tổng diện tích tôm nuôi đạt 750.000ha, sản lượng sẽ đạt hơn 1,1 triệu tấn, với giá trị kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD. 

Thành tựu và thách thức

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, từ đầu năm đến nay tình hình nuôi trồng thủy cả nước tăng trưởng ổn định. Diện tích nuôi tôm nước lợ năm tháng đầu năm đạt gần 637.000ha, bằng 102% so với cùng kỳ năm 2017. Sản lượng thu hoạch gần 200.000 tấn, bằng 111,1% so với cùng kỳ năm 2017. Kim ngạch xuất khẩu bốn tháng đầu năm đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ. 

Theo Tổng cục Thủy sản, diện tích và sản lượng thu hoạch tăng chủ yếu từ tôm thẻ chân trắng. Nguyên nhân do cuối năm 2017 giá tôm nguyên liệu tăng cao, nhất là tôm thẻ chân trắng, người nuôi được mùa. Bên cạnh đó, công nghệ nuôi tôm được cải tiến, một số quy trình nuôi tiên tiến được áp dụng đã góp phần tăng sản lượng. 

Tuy nhiên, ngành nuôi tôm đang đứng trước không ít khó khăn, nhất là giá tôm thẻ chân trắng đã và đang sụt giảm mạnh, đặc biệt là từ đầu tháng Năm đến nay. Thị trường tiêu thụ tôm cũng đang gặp nhiều khó khăn do rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu, dự báo thị trường chưa kịp thời; sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa phát huy được thế mạnh của tôm Việt Nam; hiện tượng bơm chích tạp chất vào tôm chưa được xử lý triệt để...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị “Các giải pháp trọng tâm để phát triển ngành tôm bền vững,” tổ chức tại Bạc Liêu đầu tháng Sáu, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lưu ý Tổng cục Thủy sản, các Hiệp hội Thủy sản phải làm tốt công tác dự tính, dự báo để khuyến cáo cho người dân nuôi tôm cung ứng đủ cho nhu cầu thị trường, tránh tình trạng nguồn cung vượt cầu như thời gian vừa qua. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thời gian tới, thị trường tôm sẽ khởi sắc trở lại, các doanh nghiệp bắt đầu thu mua mạnh, do đó người nuôi tôm phải thật sự bình tĩnh, không nên hoang mang, dao động trước giá tôm sụt giảm như hiện nay mà bán tháo gây thất thoát, thua lỗ. 

Nâng tầm con tôm Việt 

Ngoài diện tích, năng suất, sản lượng được tính toán khá kỹ, sát với tình hình thực tế, ngành nuôi tôm nước ta đã và đang quan tâm, chú trọng nâng cao chất lượng, giá trị con tôm; trong đó cần nâng tầm giá trị con tôm Việt trên thị trường quốc tế. 

Để làm được điều này, Tổng cục Thủy sản khuyến cáo người nuôi tôm hướng đến sản xuất tôm sạch, tuyệt đối không sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc, hóa chất trong nuôi tôm. Xử lý và tiêm chích tạp chất vào tôm, duy trì chất lượng sản phẩm, thực hiện sản xuất sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cao trong sản xuất, giảm rủi ro, nhằm giảm giá thành đầu vào, tăng giá trị đầu ra, ngành tiếp tục phát triển nuôi tôm sú, thẻ; tăng cường đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật. Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người nuôi về vai trò kết nối sản xuất cung ứng giống tốt; kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên tôm nuôi và tôm nguyên liệu. Mặt khác, tăng cường xây dựng, phát triển vùng nuôi an toàn dịch bệnh; đẩy mạnh kiểm soát chất lượng tôm nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam. 

Ngoài ra, ngành tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu; thực hiện hợp tác, liên kết theo chuỗi để gắn sản xuất với thị trường, cùng chia sẻ lợi ích, giảm thiểu rủi ro khi thị trường biến động, giảm khâu trung gian. 

Tổng cục Thủy sản cũng lưu ý ngành chức năng bám sát diễn biến cung, cầu và giá tôm ở thị trường xuất khẩu, thông tin kịp thời tới người nuôi tôm có kế hoạch sản xuất phù hợp; phát triển các kênh phân phối nhằm đẩy mạnh tiêu thụ tôm tại thị trường nội địa bao gồm cả sản phẩm tươi sống và giá trị gia tăng.

Nhằm đảm bảo giá và chất lượng tôm nuôi, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khuyến cáo người nuôi tôm nên tiếp tục thả nuôi với mật độ thưa, giãn thời gian vụ, kết nối thông tin chủ động với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu; doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tăng cường phát triển sản phẩm giá trị gia tăng; có chính sách hỗ trợ về vốn; có giải pháp xây dựng thương hiệu tôm Việt. 

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam lạc quan cho biết, giá trị xuất khẩu tôm giai đoạn 2016-2018 tăng trưởng mạnh; trong đó mạnh nhất thị trường EU, Trung Quốc, Mỹ... Theo nhận định của VASEP, nhu cầu tiêu thụ tôm của các nước sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, chậm nhất là đầu quý 3/2018.

Huỳnh Sử Vietnamplus

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện