Cục Xúc tiến thương mại đang đẩy mạnh cung cấp thông tin về các thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp.
Trong quá trình hội nhập quốc tế, các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam đã có mặt tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, do nhiều mặt hàng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế nên đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản.
Hiện nay, các mặt hàng nông, thủy sản của nước ta đã có mặt tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó có nhiều mặt hàng là thế mạnh như gạo, cà phê, hồ tiêu... và các mặt hàng thủy sản khác. Tuy nhiên, tại các thị trường xuất khẩu lớn và khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản, Úc... nhiều mặt hàng nông sản của nước ta vẫn bị từ chối nhập khẩu do còn tồn dư thuốc thú y, kim loại nặng và ô nhiễm vi sinh... Trong giai đoạn 2002-2013, Việt Nam là nước đứng đầu tiếp đến là Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan... bị EU từ chối nhập khẩu 40% sản lượng.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Việt Nam có nhiều vi phạm như vấn đề vi sinh vật hoặc mức dư lượng tối đa thuốc bảo thực vật, vượt quá ngưỡng quy định của EU. Hay một số thị trường như Hoa Kỳ với một số sản phẩm hóa chất, thuốc như cacbennazi. Hoa Kỳ không cho sử dụng loại thuốc này trên các cây thực phẩm, trên thực tế một số sản phẩm của nước ta xuất khẩu vào tồn tại cacbennazi thì Hoa Kỳ trả về không cho nhập vào”.
Thực tế hiện nay, mới chỉ có 4% doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước ta có quy trình chế biến nông thủy sản đáp ứng quy định các thị trường lớn, còn lại hầu như doanh nghiệp chưa đáp ứng được. Đối với các mặt hàng xuất khẩu bị đối tác trả lại do không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm có xuất phát điểm từ việc lạm dụng các hóa chất trong quá trình chăm bón, sinh trưởng. Hơn nữa, sự liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp - nông dân còn yếu, khiến nhiều hàng hóa có chất lượng không đồng đều, dư lượng kháng sinh, hóa chất còn cao không đúng tiêu chuẩn với yêu cầu của đối tác. Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều chồng chéo, chưa đồng bộ trong kiểm tra, giám sát nên vấn đề kiểm định chất lượng thực phẩm trong nước chưa đem lại niềm tin cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Xuân Việt, Chủ tịch HĐQT Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Vifoco, Hà Nội cho biết: Hiện việc quản lý chất lượng sản phẩm nông sản ngoài đồng ruộng đang là vấn đề nan giải đối với nhiều doanh nghiệp: “Điều đáng quan tâm nhất hiện nay của chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát ngoài đồng ruộng - hiện vấn đề này đang ngoài tầm kiểm soát của các doanh nghiệp. Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt là vấn đề phun tưới và thu hoạch- đây là những vấn đề mà cơ quan quản lý nhà nước cần phải vào cuộc thực sự rất cần có sự hỗ trợ đắc lực vào việc quản lý giúp doanh nghiệp xuất khẩu có những mặt hàng đạt chất lượng đáp ứng được quy định của các nước”.
Hiện tại, các mặt hàng nông, thủy sản của nước ta đã có mặt tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo Bộ Công Thương, để khắc phục tình trạng các lô hàng xuất khẩu hàng nông, thủy sản bị trả về cần các giải pháp mang tính đồng bộ. Trong đó chú trọng hoàn thiện khung pháp lý về quản lý an toàn thực phẩm; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với khu vực và thế giới; đồng thời đẩy mạnh và tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và chính sách về an toàn thực phẩm đối với người quản lý, người sản xuất kinh doanh, nhất là chú trọng đến trách nhiệm đạo đức kinh doanh của người sản xuất thực phẩm đối với cộng đồng… Ngoài ra, việc chủ động nắm bắt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường nhập khẩu cũng như quy định về ghi nhãn mác sản phẩm thực phẩm, quy cách đóng gói cũng là một khâu mà doanh nghiệp không thể bỏ qua.
Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết: Cục Xúc tiến thương mại đang đẩy mạnh cung cấp thông tin về các thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp nắm bắt và có kế hoạch sản xuất cụ thể. Từ đó đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm do các nước quy định.
“Cung cấp thông tin tạo điều kiện thông tin cho các doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng nhất mà hiện nay các cơ quan như Cục xúc tiến thương mại đang cố gắng đẩy mạnh. Tuy nhiên, thêm vào đó các nhà sản xuất và kinh doanh cần phải luôn cập nhập để nắm bắt thông tin để điều chỉnh ngay. Đồng thời, tìm lời tư vấn, hướng dẫn từ các chuyên gia và đặc biệt là các nhà nhập khẩu và các thị trường chúng ta định xuất khẩu”, ông Đỗ Kim Lang cho biết thêm.
Chỉ có 4% doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy trình chế biến nông thủy sản đáp ứng quy định các thị trường lớn.
Trong bối cảnh nước ta đang tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại khu vực và quốc tế, các rào cản về thuế cũng đang được dỡ bỏ theo lộ trình. Do đó, hơn lúc nào hết các doanh nghiệp xuất khẩu nước ta cần đưa tiêu chí “chất lượng là vàng” lên hàng đầu để cạnh tranh được trên trường quốc tế và xóa bỏ tình trạng mất an toàn thực phẩm như hiện nay./.
Nguyễn Hằng
Quảng cáo: cần bán gấp 50 tấn bã hèm bia giá 5.500đ/kg (đạm:50%) , bột đầu tôm giá 7.500đ/kg (đạm 35%, tro < 25%), cám bắp 5.000đ/kg (tro <5%) , bột cá 50% (đạm 50%, tro <21%) giá 14.000đ, Liên hệ 08.6260 0412