Thông tin thị trường

Lại ào ạt đốn cà phê trồng tiêu

Thứ năm, 10/12/2015 13:32 lượt xem: 604

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, từ đầu năm đến nay đã có 30.000 ha cà phê bị phá bỏ để trồng hồ tiêu và các loại cây khác, do giá hồ tiêu cao gấp 5 lần cà phê.

Nông dân Tây nguyên và Đông Nam bộ lại lao vào điệp khúc “trồng - chặt - trồng”.

 

Hối hả phá cà phê trồng tiêu

 

Mùa mưa vừa kết thúc, ông Vũ Văn Dâu (thôn 3, xã Cư Suê, H.Cư Mgar, Đắk Lắk) cũng vừa chuyển xong 3 côngđất cà phê sang trồng hồ tiêu. Ông Dâu cho biết, đây là diện tích cà phê già cỗi, phải tái canh lại nhưng việc tái canh rất khó mà cà phê không bán được nên mạnh dạn quyết định chuyển hẳn sang trồng tiêu vì giá cao. Ông Dương Ưng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư Suê, cho hay từ trước đến nay xã là vùng chuyên canh cà phê trọng điểm cùa huyện với diện tích gần 2.000 ha, diện tích trồng tiêu không đáng kể. Thế nhưng, cơn sốt giá tiêu 3 nămqua đã khiến nông dân thay đổi suy nghĩ. “Giá tiêu gần 200.000 đồng/kg, cao hơn 5 lần so với giá cà phê, nên vừa qua ai nấy hối hả đưa tiêu vào trồng. Giờ đây, rẫy cà phê nào cũng được “cấy” tiêu vào, nhiều hộ muốn làm ăn lớn thay luôn cả vườn cà phê bằng tiêu”, ông Ưng cho biết.

 

Ông Trần Xuân Đức, Phó trưởng phòng NN-PTNT, H.Krông Năng (Đắk Lắk), cho rằng trồng tiêu ở huyện này lan với tốc độ “chóng mặt”. Ba năm trước, địa phương chỉ có hơn 1.000 ha thì nay lên tới 2.770 ha. Do quỹ đất trống của huyện không còn nên nông dân chặt bỏ cà phê để trồng tiêu. “Thống kê sơ bộ năm 2015, diện tích cà phê của huyện là 25.090 ha, giảm 100 ha so với năm ngoái, nhưng khá nhiều vườn rẫy cà phê nhỏ lẻ bị chặt bỏ để trồng tiêu chưa khảo sát hết được”, ông Đức nói.

 

"Giá tiêu gần 200.000 đồng/kg, cao hơn 5 lần so với giá cà phê, nên vừa qua ai nấy hối hả đưa tiêu vào trồng. Giờ đây, rẫy cà phê nào cũng được “cấy” tiêu vào, nhiều hộ muốn làm ăn lớn thay luôn cả vườn cà phê bằng tiêu" Ông Dương Ưng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư Suê

 

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Cụ thể như ở huyện Krông Búk, thống kê sơ bộ cho thấy so với năm 2010 cà phê của huyện này giảm 229 ha, cao su giảm hơn 366 ha, trong khi đó diện tích tiêu tăng hơn 315 ha. Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk) cho biết chỉ trong hai năm 2014 - 2015, diện tích tiêu trồng mới là 7.520 ha, đưa diện tích tiêu cả tỉnh lên gần 19.400 ha. Nếu so với quy hoạch của tỉnh đến năm 2020 thì diện tích hiện tại vượt 4.400 ha.

 

“Một mình một chợ”, giá cà phê vẫn giảm

 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chủ yếu do giá cà phê Việt Nam liên tục giảm.

 

Tại diễn đàn “Triển vọng và phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam 2015”, do Ban Điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam (Bộ NN-PTNT) tổ chức đầu tháng 12 ở TP.HCM, các doanh nghiệp dự diễn đàn cho biết thị trường thế giới hiện nay Việt Nam gần như “một mình một chợ” vì trên sàn giao dịch cà phê tại London, các đối thủ cạnh tranh của chúng ta như Brazil, Colombia, Indonesia đã hết hàng. Thế nhưng, giá cà phê của Việt Nam không những không tăng mà còn giảm.

 

Số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT cho biết, tính đến hết tháng 11, xuất khẩu cà phê ước đạt 1,13 triệu tấn với tổng giá trị 2,3 tỉ USD, giảm 27,7% về khối lượng và giảm trên 30% về giá trị so cùng kỳ năm 2014. Giá cà phê xuất khẩu bình quân (10 tháng) 2.032 USD/tấn, giảm 2,6% so với năm 2014. Giá trị xuất khẩu cà phê ở 10 thị trường chính của Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ năm 2014.

 

Trong khi đó, tuần cuối của tháng 11 giá cà phê tại các tỉnh Tây nguyên tiếp tục giảm khoảng 400 đồng/kg so với cuối tháng 10. Mức giá hiện tại chỉ khoảng 34.500 - 35.000 đồng/kg. “Đầu năm, giá cà phê nhân còn ở mức40.000 - 41.000 đồng/kg, sau đó càng về cuối vụ giá càng giảm sâu. Trong khi đó, tháng 12 đang vào vụ thu hoạch mới”, báo cáo nhận định.

 

Hậu quả khó lường

 

Tập trung nâng chất lượng cà phê

Vicofa khuyến cáo, trước tình hình khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn về công nghệ chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm cà phê trong nước, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bộ NN-PTNT cần khuyến cáo bà con nông dân cố gắng giữ lại cà phê mới thu hoạch trong một thời gian nữa, không nên bán ồ ạt cà phê nhân vào thời điểm này...

 

Theo các chuyên gia, do chúng ta chủ yếu xuất khẩu cà phê ở dạng thô nên sức cạnh tranh thấp. Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (Vicofa), lo ngại giá cà phê xuống dẫn đến diện tích tái canh giảm dần vì người dân không còn mặn mà, khi giá cà phê tăng trở lại sẽ không có cà phê để bán. Còn ông Nguyễn Nam Hải, Phó chủ tịch Vicofa, nhận định trong niên vụ 2015 - 2016 sản lượng cà phê thấp hơn 15 - 20%so với niên vụ 2014 -2015, đạt khoảng 1,3 - 1,4 triệu tấn và chất lượng cũng giảm hơn vụ trước.

 

Lý giải thêm việc người trồng cà phê ồ ạt chuyển sang trồng tiêu ở H.Krông Năng, ông Trần Xuân Đức cho rằng ngoài tác động khách quan là giá tiêu hấp dẫn, còn có nguyên nhân từ việc tái canh đối với cà phê già cỗi gặp nhiều khó khăn. Để vay vốn ngân hàng tái canh theo quy trình, đất vườn sau khi phá dỡ cà phê cũ phải để 2 - 3 năm nhằm diệt tuyến trùng, dịch bệnh, ngân hàng lại giải ngân “nhỏ giọt” từng công đoạn kèm theo thủ tục vay vốn đầy đủ. Nhiều nơi, nông dân khó đáp ứng các điều kiện tái canh cà phê trên nên không vay vốn ngân hàng mà chuyển đất sang trồng tiêu.

 

Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, phân tích: Trước đây khi giá cà phê lên cao nông dân từng chặt bỏ điều, cao su để trồng cà phê. Đến thập niên 1990 khi giá cà phê xuống thấp lại có tình trạng chặt cà phê chuyển sang trồng cây khác. “Thời gian qua, ngành nông nghiệp Đắk Lắk đã có nhiều văn bản khuyến cáo các địa phương thận trọng trong việc chặt bỏ cà phê, cao su để chuyển đất trồng tiêu. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường, giá hồ tiêu đang hấp dẫn như hiện nay nên có khuyến cáo họ cũng không nghe. Điều đáng lo ngại là khi diện tích tiêu phát triển nhanh, dẫn đến sản lượng hạt tiêu cung vượt cầu, giá cả có thể tụt giảm khiến nông dân thua lỗ như từng xảy ra với các cây trồng khác. Mặt khác, việc trồng tiêu ồ ạt hiện nay tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh trên cây tiêu lan rộng do phần lớn người trồng chưa am hiểu kỹ thuật sản xuất, tiêu giống bán trôi nổi trên thị trường rất khó kiểm soát mầm bệnh...”, ông Thích thừa nhận.

 

Ngọc Quyền - Chí Nhân (Báo Thanh Niên)

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện