Kỹ thuật nuôi

Kiên Giang sôi động nghề săn cua biển giống

Thứ bảy, 11/10/2014 03:34 lượt xem: 1006
Từ hai năm nay, nhất là khi giá cua biển lên cơn sốt, tại nhiều bãi biển ở Kiên Giang, nhất là từ Ba Hòn (huyện Kiên Lương) đến Hà Tiên, sôi động nghề săn cua biển giống.

 

Nhộn nhịp một vùng biển

Người dân Kiên Lương và Hà Tiên nào bây giờ sống bằng nghề lênh đênh trên biển, vài tháng mới vào bờ thăm nhà một lần, ngoài việc đi biển, họ còn có những nghề cào nghiêu, sò, câu mực… mà thoát nghèo. Nhiều hộ khá lên nhờ săn cua biển giống phục vụ khách hàng là những chủ nuôi cua công nghiệp. 

Chúng tôi có dịp đến bãi biển Ba Hòn, lúc sương sớm còn bao phủ cả khu rừng mắm, gió biển lạnh buốt; vậy mà hàng trăm anh chị em đã sẵn sàng đồ nghề, chờ nước lên, ra biển săn cua. Với đồ nghề trên tay gồm vợt lưới có đường kính chừng 6 cm và một cái keo nhựa để đựng cua. Trẻ em thì dùng chiếc rổ nhựa thay cho chiếc vợt. Thủy triều lên, tất cả đổ xô ra mép biển hoặc tìm những vũng nước giữa rừng, mạnh ai nấy xúc, cào hoặc đảo đi đảo lại nhiều vòng. Thông thường, những ngày nghỉ học, một học sinh ra biển mỗi con nước có thể kiếm 50.000 - 55.000 đồng, người bắt giỏi có thể kiếm trên 100.000 đồng. Nếu giăng lưới thì thu nhập sẽ hơn mấy lần.

Đánh bắt cua trên bãi biển Kiên Lương - Kiên Giang

Dân biển có nhiều cách bắt cua con, nhưng phổ biến nhất là bắt bằng vợt hoặc rổ. Chỉ có người chuyên nghiệp mới dùng lưới loại dày, và cần 3 - 4 người theo trợ giúp, sẽ đánh bắt được nhiều cua hơn. Em Ngô Văn Sáng, 14 tuổi, ở ấp Hòa Lộc, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, cầm chiếc vợt đảo cả chục vòng mới moi lên được một con cua bằng hạt tiêu nằm lẫn lộn trong mớ rác rến. Em nói: "Vào mùa xúc cua, em tranh thủ học một buổi, còn một buổi theo cha mẹ ra biển, mỗi ngày kiếm được khoảng 30.000 đồng". Đám thanh niên thì lội ra xa bờ hơn giăng lưới, ngâm mình trong nước từ sáng đến chiều, lở loét đầy mình, mỗi mẻ lưới chỉ kiếm được 5 - 10 con cua biển, con lớn nhất chỉ bằng ngón chân cái. Dân trong nghề chia cua giống ra làm nhiều loại, nhỏ nhất cua nhí, kế đến là cua tiêu, cua hột dưa, cua me; lớn nhất là cua mít (to bằng hạt mít). Giá bình quân 500 - 2.500 đồng/con, tùy lớn nhỏ. Cua tiêu giá 2.000 đồng/con, cua mít giá 5.000 - 7.000 đồng/con.

Vào chính vụ (tháng 8 đến 10), nhiều nơi còn đốt đèn bắt cả đêm. Dân săn cua khi lên bờ giao hàng xong ăn cơm và nghỉ luôn tại chỗ, chờ con nước lên lại tiếp tục hành trình. Nhờ vậy, dân vùng ven biển thoát cảnh túng thiếu; trẻ em cũng nhờ con cua, con nghêu mà có tiền mua thêm sách vở hoặc phụ giúp gia đình.

 

Khá lên nhờ săn cua biển

Anh Cao Hồng Phát, chủ một đại lý mua cua giống ở xã Bình An, Kiên Lương cho biết, vào chính vụ, mỗi ngày đại lý mua được 3.000 - 5.000 con, có hôm đến vài vạn con; chưa kể số người bán trực tiếp cho các chủ nuôi cua trong huyện.

Anh Phạm Văn Tiến, một ngư dân xã Bình An, chuyên nghề săn cua, cho biết: Trước đây, dân biển gặp cua con, nghêu con đều trả lại biển, chờ lớn mới bắt. Bây giờ con cua từ ngoài thiên nhiên có giá khi đưa về ao hồ nuôi có tỷ lệ sống khá cao và mau lớn, lại giúp cho người nuôi, người săn bắt con giống có nguồn thu nhập cao. Nếu nuôi đúng kỹ thuật, sau ba tháng cua càng xanh có thể cân nặng 3 con/kg. Giá cua rạch khoảng 280.000 - 300.000 đồng/kg, cua thường 180.000 - 250.000 đồng/kg.

Năm nay, lượng cua biển giống ngoài thiên nhiên xuất hiện nhiều gấp năm lần so với năm ngoái; nhờ vậy, hàng nghìn người nghèo sống gần bãi Rạch Tùng, Bình An, Bãi Ớt… đã khá giả lên. Có hộ cả gia đình đều ra biển bắt cua, chỉ cần một tháng trúng mùa là có thể sửa lại nhà cửa khang trang hơn.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện