Để có được những thành quả như ngày hôm nay, Nam Miền Trung đã trải qua những dấu mốc đáng nhớ nào, thưa ông?
Nam Miền Trung ra đời xuất phát từ thực tế khó khăn của người nuôi tôm là thiếu nguồn giống ổn định. Với mong muốn tạo ra con giống chất lượng, góp phần cho nghề nuôi tôm trên cả nước phát triển bền vững, năm 2001, tôi thành lập Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Anh chuyên sản xuất tôm giống. Từ sự tin tưởng, ủng hộ của người nuôi tôm; đồng thời, thực hiện mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu con giống ngày càng cao, năm 2007, Doanh nghiệp Hoàng Anh phát triển thành Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung. Với phương châm kinh doanh "Nam Miền Trung làm giàu cho bạn", quá trình hoạt động Công ty toàn tâm, toàn ý xây dựng thương hiệu tôm giống đẳng cấp ngang bằng khu vực và thế giới. Hiện, Nam Miền Trung có 6 cơ sở sản xuất tôm giống và 30 ao nuôi tôm thịt có tổng diện tích 30 ha mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 3 đến 5 tỷ con tôm giống và 1.000 tấn tôm thịt. Sự phát triển không ngừng của Nam Miền Trung đã khẳng định được chất lượng con giống đối với người nuôi tôm trên cả nước.
Vậy "bí quyết" thành công của Công ty là gì?
Nhờ có hoạch định chiến lược phát triển lâu dài, Công ty tập trung huy động nguồn lực đầu tư các cơ sở sản xuất tôm giống theo mô hình tiêu chuẩn công nghệ tiên tiến của Mỹ, hiện đại bậc nhất Đông Nam Á. Tôm giống bố mẹ được nhập khẩu liên tục với số lượng 1.000 đến 2.000 cặp/tháng và chuyển giao công nghệ sản xuất từ Công ty SIS Hawaii (Mỹ), dòng gen kháng bệnh cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên và môi trường Việt Nam. Công ty còn đi đầu trong mua sắm 2 tàu chuyên dụng chở nước biển cách bờ 10 km để cung cấp cho các khu sản xuất tôm giống, trại tôm post, trại nuôi tôm bố mẹ nhập khẩu, phòng xét nghiệm, phòng tảo, hệ thống lắng lọc, xử lý nước… Nam Miền Trung cũng đã thành lập văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh nhập khẩu từ Mỹ về các loại Artemia, vitamin, men vi sinh khoáng chất, chế phẩm sinh học, tảo tươi… đã được chọn lọc nhằm đảm bảo sản phẩm tôm giống sạch bệnh, khỏe mạnh, nhanh lớn. Bên cạnh đó, Nam Miền Trung chú trọng chăm lo đào tạo đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn cao để tiếp cận và làm chủ các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Hiện nay, Công ty có 1.000 nhân viên làm việc ở 20 tỉnh, thành phố trong cả nước; trong đó, có 1 tiến sỹ, 1 thạc sỹ, 150 kỹ sư chuyên ngành nuôi trồng thủy sản và 5 chuyên gia tư vấn kỹ thuật nước ngoài về lĩnh vực tôm thẻ chân trắng.
Định hướng phát triển Công ty trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Chúng tôi sẽ thành lập công ty thu mua chế biến thủy sản và công ty chuyên về các loại thực phẩm, chế phẩm sinh học… để phục vụ chuỗi cung ứng cho ngành nuôi tôm Việt Nam. Trong năm 2015, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các chuyên gia nước ngoài để nâng cao chất lượng tôm giống hơn nữa theo hướng cải tiến công nghệ. Nam Miền Trung phấn đấu đến năm 2017 sẽ trở thành tập đoàn và là đối tác được ưa chuộng nhất, tập hợp những con người ưu tú nhất, cam kết phục vụ khách hàng một cách chuyên nghiệp trong lĩnh vực tôm giống.
Đánh giá của ông về ưu, khuyết của ngành tôm Việt Nam?
Thực tế là nghề tôm ở nước ta đang ngày càng phát triển, quy mô thả nuôi, sản lượng năm sau đều cao hơn năm trước. Năm 2014, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ trên toàn quốc là 685.000 ha, tăng 4,4% so với năm 2013. Do đó, nhu cầu con giống, nhất là giống tôm thẻ chân trắng sẽ ngày càng tăng. Trong năm, tất cả 1.624 cơ sở sản xuất tôm giống trên toàn quốc đã mở rộng sản xuất, sản lượng ước đạt 115,8 tỷ con; trong đó, tôm thẻ chân trắng 79,8 tỷ con, tăng 69% so với cùng kỳ, nhưng vẫn không đáp ứng đủ cho các hộ nuôi.
Khi thị trường tôm giống khan hiếm dẫn đến tình trạng "tranh mua". Đây chính là thời cơ để cho những người làm ăn thiếu chân chính trà trộn bán tôm giống kém chất lượng, mà hậu quả là hộ nuôi chịu nhiều thiệt thòi nhất. Tôi luôn trăn trở rằng giá như mỗi chúng ta, chủ cơ sản xuất tôm giống có cùng chung trách nhiệm, thì sẽ xây dựng được một thị trường tôm giống lành mạnh hơn, tạo độ tin cậy cho hộ nuôi an tâm sản xuất.
Còn hạn chế lớn nhất của ngành nuôi tôm Việt Nam là chưa sản xuất được tôm giống bố mẹ. Các cơ sở sản xuất tôm giống trong nước hiện nay hoàn toàn phụ thuộc nguồn tôm giống bố mẹ nhập từ nước ngoài về. Năm 2014, tổng số tôm bố mẹ nhập khẩu khoảng 143.960 con có nguồn gốc từ Mỹ, Thái Lan, Singapore. Tôi nghĩ rằng, để ngành nuôi tôm phát triển bền vững, về lâu về dài trong nước phải tự sản xuất được tôm giống bố mẹ.
Khát vọng của Nam Miền Trung để đóng góp cho ngành tôm Việt?
Không cớ gì Việt Nam có môi trường nuôi tôm thuận lợi với chiều dài bờ biển hơn 3.000 km lại phải "lép vế" về trình độ so với các nước trong khu vực. Nam Miền Trung đang tiến hành xây dựng khu tôm giống khảo nghiệm hiện đại, đồng thời áp dụng phương pháp và công nghệ mới trong nuôi tôm thịt. Với những thành quả đạt được, tôi tin rằng Nam Miền Trung sẽ góp phần quan trọng đem lại vụ mùa bội thu cho bà con nuôi tôm.
Như đã nói, Nam Miền Trung đang xúc tiến xây dựng Trung tâm Nghiên cứu tôm thẻ chân trắng với hoài bão là nhà sản xuất tôm giống số 1 Việt Nam. Trong thời gian tới, Nam Miền Trung tiếp tục đầu tư toàn diện về con người, cơ sở vật chất và công nghệ để khẳng định thương hiệu và tạo ra nguồn tôm giống có chất lượng hoàn hảo vì sự phát triển bền vững của ngành tôm Việt Nam.