Vấn đề nóng

Hiệu quả vượt trội từ lai ghép cá rô phi lai xa dòng Isarel

Thứ hai, 02/02/2015 06:16 lượt xem: 1187
(Thủy sản Việt Nam) - Nhằm tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu; các hộ dân tại một số huyện ở tỉnh Hải Dương đã áp dụng mô hình nuôi ghép cá rô phi lai xa dòng Isarel với cá truyền thống (cá rô phi là chính) cho thu nhập ổn định.

Ưu thế từ lai xa

Do lợi thế về tốc độ sinh trưởng, ngoại hình và nhu cầu thị trường, cá rô phi đơn tính được tạo ra bằng phương pháp lai xa đang chiếm ưu thế hơn so với cá rô phi đơn tính được tạo ra bằng phương pháp xử lý hormone. So với phương pháp sử dụng hormone chuyển đổi giới tính thì phương pháp lai xa không phải bắt cá bố mẹ để thu trứng, cho vào khay ấp mà chỉ việc vớt con giống từ ao do cá rô phi bố mẹ sinh sản ra. Chính vì thế mà tiết kiệm được chi phí sản xuất. Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là tỷ lệ đực rất cao, trên 96% và mau lớn. Những con giống lai xa có nhiều đặc điểm vượt trội (đầu nhỏ, mình dầy, lưng cao, tỷ lệ thịt nhiều, thịt thơm ngon).

Ông Nguyễn Văn Bột, Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ cho biết: Mô hình nuôi ghép cá rô phi lai xa dòng Isarel theo hướng an toàn đã khẳng định được tính ưu việt, phù hợp thực tế huyện Tứ Kỳ và tỉnh Hải Dương. Cá rô phi lai xa dòng Isarel chất lượng thịt thơm ngon; giống lại không sử dụng hormone chuyển giới tính vào sản xuất nên an toàn cho người sử dụng; mô hình mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi".

 

Hiệu quả trên diện rộng

Ông Nguyễn Đức Vụ, chủ trang trại nuôi thủy sản ở xã Hưng Đạo (huyện Tứ Kỳ) cho biết: Tiếp nhận làm mô hình nuôi cá rô phi đơn tính do tỉnh triển khai từ năm 2005, ông xác định đây là mô hình giúp ông làm giàu. Hiện, ông Vụ sở hữu hơn 10 ha ao nuôi cá, trong đó rô phi là đối tượng nuôi chủ lực. Không chỉ giỏi nuôi thủy sản, ông còn ra nước ngoài học tập và trở thành đầu mối chuyên cung ứng con giống rô phi đơn tính cho nông dân trong ngoài tỉnh.

Hợp tác xã (HTX) Xuân Nẻo - Hưng Đạo, thuộc Liên hiệp hội thủy sản chất lượng cao huyện Tứ Kỳ, xây dựng mô hình nuôi giống cá rô phi lai xa dòng Isarel kết hợp mô hình xử lý đáy ao bằng chế phẩm sinh học (BIOF), với diện tích 8,75 ha tại 16 hộ tham gia. Ông Phạm Quang Phục, Chủ nhiệm HTX cho biết, toàn HTX có 53 ha ao nuôi thủy sản, trong đó 9 ha ao nuôi cá rô phi lai xa. Trong quá trình nuôi, các hộ tham gia mô hình nhận thấy giống cá rô phi lai xa dòng Isarel nhiều ưu điểm: cá giống khỏe, mau lớn, sau 5 tháng nuôi có thể đạt 700 - 800 g/con, mẫu mã và kích thước cá đẹp, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, chất lượng cá thơm ngon, mình dày thịt. Xử lý đáy ao bằng chế phẩm sinh học, vừa giúp quản lý môi trường ao nuôi tốt, cá không bị dịch bệnh, vừa góp phần giảm lượng thức ăn cung cấp cho cá rô phi lai xa, từ 1,6 kg thức ăn/1kg tăng trọng cá xuống còn 1,4 - 1,5 kg thức ăn/1 kg tăng trọng cá. Với giống cá rô phi lai xa, người nuôi cá có thể thu nhập 250 - 400 triệu đồng/ha. Năm 2014, HTX tiếp tục mở rộng diện tích nuôi cá rô phi lai xa, với hơn 10 ha.

Ông Đoàn Văn Nguyên (thôn Mỗ Đoạn, xã Kỳ Sơn, huyện Tứ Kỳ) là một trong những người tham gia Dự án. Ông Nguyên kể: "Gia đình tôi thả cá rô phi lai xa từ tháng 5/2013, nuôi hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp; đầu tháng 12/2013 thu hoạch. Đây là giống có sức sinh trưởng tốt, con cá có mình dày và mau lớn. Khi thu hoạch, trọng lượng cá đạt trên 7 lạng/con. Tôi nuôi cá hàng chục năm nay, thấy chưa loại cá nào vượt được con rô phi lai xa này".

 

Đẩy mạnh liên kết

Trong quá trình triển khai mô hình, cần có sự liên kết sản xuất, trước hết là các hộ nuôi, tạo mối quan hệ gắn bó, tương trợ lẫn nhau giữa các hộ, từ đó tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, bước đầu tạo sự giúp đỡ nhau trong sản xuất (học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật, vốn, tiêu thụ sản phẩm…).

Ông Phạm Quang Phục cho biết, cá rô phi lai xa là một đối tượng nuôi còn mới ở tỉnh Hải Dương, mô hình sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học (BIOF) để xử lý đáy ao nuôi thủy sản chưa phù hợp các hộ nuôi nhỏ lẻ. Do vậy, khi triển khai, một số hộ nuôi cá còn e ngại. Bên cạnh đó, một số hộ tham gia dự án hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân là thời gian để trong ao ươm vượt thời gian quy định, do giải phóng ao nuôi thương phẩm chậm; một số hộ cung cấp thức ăn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của cá, dẫn đến tình trạng cá tăng trọng thấp.

Theo ông Nguyễn Văn Bột, các hộ nuôi cần theo đúng quy trình kỹ thuật nuôi cá rô phi lai xa và có khả năng đầu tư vốn. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi cần thực hiện các giải pháp liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm; như vậy sẽ thúc đẩy lĩnh vực nuôi thủy sản phát triển ổn định, bền vững.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện