Thông tin thị trường

Hàng chất lượng khó bán: Xây chuỗi cung ứng an toàn

Thứ hai, 20/10/2014 04:52 lượt xem: 1519
Nông sản an toàn, có chứng nhận cần có kênh tiêu thụ riêng để bán được giá cao hơn và không bị đánh đồng “cá mè một lứa” trên thị trường Ngoài ra, nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ những người tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm sạch cũng như sự nỗ lực từ nhiều phía để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.
Khủng hoảng niềm tin
 
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), người tiêu dùng đang trong cơn “khủng hoảng” niềm tin về chất lượng nông sản, thực phẩm. Dù kết quả giám sát cho thấy phần lớn nông sản trên thị trường là an toàn, tỉ lệ vi phạm thấp (5 - 7% mẫu rau vượt ngưỡng thuốc bảo vệ thực vật, 2% mẫu thịt vượt ngưỡng kháng sinh) nhưng người tiêu dùng đang hình dung là các sản phẩm mất an toàn cao hơn con số mà cơ quan chức năng công bố.
 
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, dẫn chứng hiện Việt Nam có 147 loại rau quả đang xuất khẩu đi châu Âu - nơi có tiêu chuẩn về thực phẩm khắt khe - với sản lượng 150.000 tấn/năm và được họ phân vùng màu xanh trên bản đồ, tức là bảo đảm an toàn. “Mỗi năm, chúng ta xuất khẩu đến 2 triệu tấn rau quả các loại, gấp 5 lần lượng nhập khẩu. Nhưng vấn đề là làm sao để người dân trong nước tin vào chất lượng nông sản của mình” - ông Hồng đặt vấn đề.
 
Mới đây, TP HCM triển khai thí điểm đề án quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn” từ gốc đến ngọn (nuôi trồng đến tiêu thụ) để người dân có thể yên tâm hơn trong tiêu dùng và có thể truy xuất được nguồn gốc.
 
Theo đề án này, TP HCM phối hợp với các tỉnh xây dựng các chuỗi rau muống hạt, dưa leo, khổ qua, bắp cải, cà rốt, cà chua (nhóm rau củ quả); trứng, thịt gia cầm, thịt heo (nhóm vật nuôi) và cá viên, cá điêu hồng, tôm thẻ chân trắng (chuỗi thủy sản) từ các trại, nhà vườn đạt chứng nhận VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam) hoặc chứng nhận tương đương vào các cơ sở sơ chế, đóng gói, giết mổ đạt chuẩn, sau đó ký kết tiêu thụ tại những nơi bảo đảm tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Các sản phẩm này khi ra thị trường đều có dán logo để người tiêu dùng nhận diện. Đây là một kênh tiêu thụ riêng giúp nông sản “sạch từ trang trại đến bàn ăn” và hỗ trợ những người nuôi trồng đi tiên phong.
 
Mở chợ nông sản chất lượng cao
 
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, để khích lệ những người nuôi trồng nông sản sạch, tạo cơ hội cho họ bán được giá cao, TP HCM nên xem xét mở một chợ chuyên kinh doanh nông sản chất lượng cao, còn hiện nay cả 3 chợ đầu mối của TP HCM, nông sản nào cũng vào được.
 
“Muốn vào được chợ này bán, người bán phải có chứng nhận như VietGAP, ngay tại chợ có phòng thí nghiệm để lấy mẫu test nhanh, nếu phát hiện dương tính sẽ chuyển sang kiểm tra định lượng, tạm dừng lưu thông lô hàng, nếu vi phạm sẽ tiêu hủy toàn bộ và có biện pháp “cấm cửa” về sau” - ông Hồng đề xuất. Theo ông Hồng, khi có khu chuyên doanh nông sản chất lượng cao thì người tiêu dùng cần cứ đến đây mua sẽ yên tâm, từ đó nhân rộng ra các chợ khác.
 
Ở góc độ người sản xuất, TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, nhấn mạnh việc áp dụng các quy chuẩn như VietGAP, GlobalGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu) là để kiểm soát được an toàn thực phẩm nên nhất định phải làm. “Sở dĩ những mô hình đầu tiên thực hiện gặp khó khăn là do chuỗi cung ứng nông sản của Việt Nam quá kém, toàn phải qua thương lái. Trong khi đó doanh nghiệp xuất khẩu nhiều nhưng không liên kết chặt với nông dân, HTX để kiểm soát quá trình trồng là do họ chưa thấy cần thiết vì vẫn bán được hàng, nhất là xuất đi Trung Quốc. Tuy nhiên thời gian tới, sản xuất phải thay đổi, nếu không sẽ mất thị trường như trường hợp một số mặt hàng xuất đi châu Âu vừa qua” - TS Mai nói. 
 
Sẽ có chính sách ưu đãi

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, sắp tới, nông nghiệp sẽ đi theo hướng đã sản xuất là phải an toàn, VietGAP sẽ được áp dụng rộng rãi. Hiện Chính phủ đã có Quyết định 01/2012 về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng VietGAP, bộ sẽ rà soát để ban hành thông tư áp dụng.

Ngoài ra, hiện nay, Bộ NN-PTNT đang triển khai Quyết định 62/2013 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn nhưng chỉ mới áp dụng đối với lúa gạo, sắp tới sẽ mở rộng đối với rau quả, nông sản khác để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi thực phẩm an toàn.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện