Mặc dù cả 2 lần kiểm tra đều âm tính với TiLV nhưng người nuôi cá cần thận trọng phòng ngừa tránh xảy ra dịch bệnh. Ảnh FAO
Cụ thể trong 2 lần thu mẫu cá rô phi: tháng 8/2017, Trung tâm chẩn đoán Thú y trung ương đã lấy 11 mẫu cá rô phi xét nghiệm TiLV kết quả âm tính và ngày 18/10/2017 lấy 13 mẫu kết quả toàn bộ 13 mẫu đều âm tính với TiLV (13/13 mẫu).
Tỉnh Hải Dương có diện tích nuôi cá rô phi nhiều, nguy cơ nhiễm bệnh là rất cao, mặc dù qua 02 đợt thu mẫu đều âm tính với TiLV, tuy nhiên không được chủ quan do vậy việc phòng tránh và chủ động chẩn đoán sớm có vai trò quan trọng giúp cho sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao nhất.
Trước tình hình thông báo dịch bệnh Chi cục Thủy sản đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cơ sở; các cơ sở sản xuất giống, ương dưỡng cá giống thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật sau:
Tăng cường thông tin tuyên truyền đến các hộ dân về dịch bệnh mới nguy hiểm này bằng cách áp dụng các biện pháp an toàn sinh học để hạn chế mầm bệnh lây lan qua dụng cụ, phương tiện từ bên ngoài vào cơ sở. Đồng thời chỉ mua cá giống có nguồn gốc rõ ràng, ở những cơ sở uy tín trong tỉnh có bảo hành chất lượng. (Lưu ý không mua cá giống của những người bán rong giá rẻ);
Tăng cường các biện pháp quản lý, chăm sóc, nuôi đúng quy trình hướng dẫn của cơ quan quản lý thủy sản, đặc biệt là thời điểm giao mùa phù hợp cho dịch bệnh phát triển
Chỉ đạo đến các hộ nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi cá rô phi an toàn: Thả mật độ thưa, sử dụng quạt nước trong những ngày nắng nóng, sử dụng thuốc đúng, đủ theo hướng dẫn, có trách nhiệm;
Những ao nuôi đã cho thu hoạch cá thương phẩm cần thực hiện tốt công tác tẩy dọn vệ sinh ao nuôi, khử trùng đáy ao, phơi ao dài ngày hơn (15 - 20 ngày) để diệt mầm bệnh, lọc nước mới đảm bảo chất lượng trước khi thả cá giống
Phát hiện kịp thời những hộ, địa phương có cá rô phi bị chết bất thường báo cáo cơ quan chuyên môn địa phương, đồng thời báo cáo nhanh về Chi cục Thủy sản để phối hợp các biện pháp xử lý kịp thời. Cần nhận thức sâu sắc tác hại của bệnh TiLV là do virus, do vậy khi nhiễm bệnh tỷ lệ chết rất cao có thể lên đến 90%, đồng thời tỷ lệ nhiễm bệnh tập trung nhiều ở giai đoạn cá giống, một tác hại lớn là không có thuốc đặc trị do vậy cần phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp phòng bệnh là chính; Định kỳ tiêu độc khử trùng khu sản xuất giống, dụng cụ phương tiện vận chuyển, ao nuôi. Chấp hành nghiêm quy trình sản xuất, ương dưỡng cá giống theo quy chuẩn Ngành.
Về việc nhập cá giống từ tỉnh ngoài, nước ngoài về: Tất cả các đợt nhập giống phải có giấy kiểm dịch; có khu nuôi cách ly; báo cáo cơ quan chuyên môn (trực tiếp là Chi cục Thủy sản) để kiểm tra kiểm soát; khi có dấu hiệu cá chết bất thường báo cáo nhanh cho cơ quan quản lý địa phương và Chi cục Thủy sản để có giải pháp xử lý kịp thời; Không xuất bán cá giống, san cá giống ở những bể, ao ương dưỡng có dấu hiệu cá bị bệnh chết.
Hải Ninh