Với 08 nhân khẩu trong gia đình, người vợ bị ốm nặng không thể lao động, một mình ông phải làm lụng vất vả để nuôi gia đình. Lúc đầu ông đã xin đất nông nghiệp từ UBND xã Sơn Hà, sau đó tự khai hoang trồng rau, cây ăn quả, đào ao nuôi cá để cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, kinh tế gia đình không phát triển mà ngày càng khó khăn hơn. Sau nhiều đêm suy nghĩ ông quyết định đầu tư vào cây mía, cây trồng chủ lực hiện nay của bà con nông dân huyện Sơn Hòa. Nói là làm, ông mạnh dạn vay vốn để trồng mía, áp dụng đúng quy trình khoa học kỹ thuật đề ra. Tại thời điểm đó cây mía chưa phát triển được, nhiều nông dân cũng khốn đốn với cây mía vì giá cả bấp bên, đường vận chuyển khó khăn, chi phí vận chuyển cao… trước những khó khăn như vậy nhưng ông vẫn quyết tâm bám trụ với cây mía. Năm 1999, nhà máy đường KCP của Ấn Độ được thành lập đặt tại Sơn Hòa, đầu ra của cây mía được nhà máy thu mua, hỗ trợ vận chuyển và tái đầu tư, giá mía ổn định, kinh tế gia đình ông phát triển lên từ đó.
Đến thời điểm hiện nay, trang trại của ông đã có diện tích trên 15 ha, trong đó gồm 12 ha mía cho năng suất bình quân 70-90 tấn/ha, thu hút 4 công lao động thường xuyên, lãi hàng năm sau khi trừ chi phí hơn 400 triệu/năm. Để có sự chủ động trong sản xuất cây mía, ông đã đầu tư 02 chiếc máy cày lớn, vừa làm ở nhà vừa làm cho các hộ trong xã cũng cho thu nhập 150 triệu đồng/năm.
Ngoài cây mía ông còn trồng 02 ha vườn cây ăn quả gồm soài, mít, bưởi... hàng năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Hiện tại ông còn mở rộng thêm gần 05 ha trồng cây khóm hứa hẹn trong năm tới sẽ cho trái và tăng thêm thu nhập cho gia đình ông.
Không những trồng trọt giỏi, ông còn là một người chăn nuôi không vừa. Hiện trang trại của ông có gần 200 con gà gồm gà rừng và gà ta; hơn chục con heo rừng; 04 con bò lai (2 cái, 2 đực); gần 50 chục cặp bồ câu nhà và bồ câu pháp; 10 cặp cu rừng; 3 ao cá với diện tích hơn 1300 m2 nuôi đủ loại cá chép, cá trắm cỏ, rô phi lai, cá chim, cá tai tượng… cho thu nhập gần cả 100 triệu đồng mỗi năm.
Năm 2012, ông là một trong số những nông dân sản xuất mía đường giỏi, được công ty KCP cử sang Thái Lan tham quan, học tập kinh nghiệm về cây mía. Hàng năm trang trại của ông là địa chỉ thu hút rất nhiều người trong và ngoài huyện đến tham quan học tập kinh nghiệm. Vừa làm kinh tế giỏi, ông vừa bốc thuốc Nam chữa một số bệnh như gai cột sống, đau vai gáy, tê khớp, đau thần kinh tọa … cho những bà con nông dân nghèo gần xa, vì thế ông rất được bà con trong thôn xóm yêu mến và kính trọng. Tâm sự với chúng tôi, ông Hai Tổ cho biết: “Cuộc sống dù có khó khổ đến đâu, nếu chúng ta biết vươn lên từ ý chí, nghị lực của bản thân, chịu khó làm ăn, học tập cái mới để áp dụng vào sản xuất thì sẽ không bất kỳ trở ngại nào cản bước đi làm ăn kinh tế của chúng ta được”