Thông tin thị trường

Gạo Việt càng xuất càng mất giá

Thứ tư, 07/05/2014 10:44 lượt xem: 1487
Việt Nam mất số tiền ước tính 23,2 triệu USD trong đơn hàng xuất 800.000 tấn gạo sang Philippines. Việc Việt Nam trúng gói thầu cung cấp 800.000 tấn gạo cho Philippines (giao giữa năm 2014) trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn là một tin vui đối với Việt Nam. Thế nhưng, niềm vui đó lại không trọn vẹn.

Bán với giá bèo

Một số ý kiến lo ngại vì mức giá trúng thầu quá thấp so với các đối thủ khác, nên có thể Việt Nam sẽ không thu được lợi nhuận từ thương vụ bán 800.000 tấn gạo cho Philippines.

Theo thông tin bên lề, đợt này có 5 đơn vị tham gia đấu thầu đến từ Thái Lan, Campuchia…, đều có hồ sơ hợp lệ và được Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) xét thầu với mức giá ban đầu đưa ra là 477,28 USD/tấn và tổng ngân sách là 382 triệu USD. Việt Nam đã trúng thầu (gạo 15% tấm) với mức giá bán trung bình khoảng 439 USD/tấn (giá CIF, giao tại Philippines), thấp hơn các đối thủ khoảng 30 USD/tấn.

Trong khi đó, nhìn chung, giá gạo trong nước đang ở mức tương đối cao do chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn của Chính phủ. Giá gạo nhập kho của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay ở mức 365 USD/tấn. Mức giá này chưa cộng chi phí kho bãi, bốc dỡ, vận chuyển khi xuất khẩu. Như vậy, với đơn hàng xuất khẩu 800.000 tấn sang Philippines, nếu có lợi nhuận thì cũng rất thấp.

Việc chấp nhận bán giá rẻ cho Philippines đã cho thấy gạo Việt Nam đang gặp bế tắc về đầu ra như thế nào. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu sang châu Phi đã giảm hơn 60%, châu Mỹ giảm hơn 50%.

Trong khi đó, áp lực cạnh tranh lại ngày càng gay gắt. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo giới, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Lương thực Thịnh Phát, cho biết gạo Việt đang ngưng xuất khẩu vì chịu sức ép cạnh tranh từ Ấn Độ và Pakistan. Hai đối thủ này nhờ lợi thế cước phí vận tải thấp hơn nên có giá bán rẻ hơn từ 30-40 USD/tấn. Còn Thái Lan thì đang tấn công thị trường châu Phi khi bán hơn 1 triệu tấn gạo với giá rẻ, thấp hơn gạo Việt từ 5-10 USD/tấn.

Do đó, nếu Việt Nam không bán được gạo cho Philippines thì tình hình xuất khẩu sẽ càng ảm đạm. Nhất là khi Philippines lại là thị trường truyền thống với sản lượng nhập khẩu hằng năm khá lớn. Trong khi đó, đối thủ của Việt Nam không phải là ít và họ cũng đang nhòm ngó thị trường này. Nếu Việt Nam không bán giá thấp, đơn hàng có thể về tay Thái Lan hay Campuchia.

Nói cách khác, theo ông Nguyễn Hùng Linh, tân Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), phiên đấu thầu Philippines là một lối thoát lớn không chỉ cho gạo Việt Nam mà còn cho nhiều nước khác. Thái Lan đã muốn xả hàng lưu kho từ lâu, Campuchia thì đang tìm kiếm các thị trường lớn.

Trong phiên đấu thầu này, dù Việt Nam đã thắng nhưng việc xuất gạo sang Philippines với giá thấp nhất đã khiến Việt Nam mất đi khoản tiền ước tính lên tới 23,2 triệu USD.

Nguy cơ thua lỗ

Từ lúc trúng gói thầu xuất gạo sang Philippines đến nay, giá mua gạo từ các hộ đã bắt đầu tăng lên. Đơn hàng cung cấp 800.000 tấn gạo cho Philippines sẽ được giao trong khoảng thời gian từ tháng 5-8 năm nay và giá thu mua từ nay đến tháng 8 như thế nào thì các doanh nghiệp vẫn chưa thể xác định được.

Tuy nhiên, theo một số nguồn tin trong ngành lương thực, giá bình quân trúng thầu gạo xuất sang Philippines, nếu quy đổi về giá FOB (giao hàng tại cảng TP.HCM), chỉ tương đương 7.700-7.800 đồng/kg hoặc cao hơn một chút. Trong khi giá tại kho ở đồng bằng sông Cửu Long hiện đã là 7.700 đồng/kg. Tính cả chi phí vận chuyển, bao bì, bốc dỡ..., giá đã lên tới 7.920 đồng/kg, cao hơn hoặc bằng giá trúng thầu bình quân.

Hiện sản lượng gạo lưu trong kho chưa đủ 800.000 tấn nên các doanh nghiệp đang tiếp tục thu mua vào, khiến giá tăng thêm 100 đồng/kg. Theo một số doanh nghiệp, giá gạo sắp tới có thể tăng thêm 200 đồng/kg. Đà tăng giá này có thể sẽ khiến giá gạo xuất khẩu ngang bằng thậm chí xuống thấp hơn giá thu mua trong nước.

Rõ ràng, hiệu quả kinh tế của đợt trúng thầu này là không cao, nếu không muốn nói là có nguy cơ lỗ. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, phần lớn các doanh nghiệp trong ngành gạo, từ nhà xuất khẩu đến nhà cung ứng, đều làm ăn không có lời. Ông Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Gentraco (Cần Thơ), cho biết xuất khẩu gạo mang lại lợi nhuận không cao, thậm chí vài năm trở lại đây thường bị lỗ.

Thái Lan đã không bất chấp tất cả để bán gạo cho Philippines, bởi bán với giá thấp sẽ không có lợi cho họ. Còn Việt Nam sở dĩ có thể chào giá thấp hơn Thái Lan là nhờ có lợi thế về chi phí vận chuyển. Quãng đường từ Việt Nam đến Philippines gần hơn, khiến chi phí vận chuyển của Việt Nam giảm được khoảng 10 USD/tấn so với Thái Lan. Nếu chi phí vận chuyển của Thái Lan ngang bằng với Việt Nam thì chưa biết Việt Nam có thể trúng thầu lần này hay không.

 

 Mai Hân

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện