Tin tức thủy sản

Đưa con tôm thành sản phẩm chủ lực quốc gia: Nhà nước và dân chung tay làm

Thứ ba, 28/03/2017 07:00 lượt xem: 1269

Điều kiện tự nhiên, kỹ thuật, thị trường xuất khẩu… đều đang rất thuận lợi cho sự phát triển ngành tôm. Nhưng hành trình đưa con tôm vào danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia vẫn có vài trở ngại mà chính người trong ngành nhận định là khó vượt qua nếu trông chờ Nhà nước.

 

đưa con tôm thành sản phẩm chủ lực

Biểu đồ tỉ lệ tôm thẻ chân trắng nhập khẩu 2015

Đã đến thời điểm thích hợp

Giữa tháng 2, tại hội nghị phát triển ngành tôm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo đưa con tôm thành sản phẩm chủ lực quốc gia và nâng kim ngạch xuất khẩu lên 10 tỷ USD vào năm 2025. Thủ tướng cho rằng, đối với con tôm, Việt Nam hội tụ đầy đủ các lợi thế từ vùng nuôi, lao động, hạ tầng đến thị trường. Điều cần có là “quyết tâm chính trị, giải pháp đồng bộ, quyết liệt để phát huy tốt lợi thế này”.

TS Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam - cũng nhận định, đây là thời điểm thích hợp để tôm trở thành sản phẩm chủ lực quốc gia: “Tôm đang giữ vị trí hàng đầu của xuất khẩu thủy sản, kim ngạch hằng năm từ 3-4 tỷ USD. Hiện nay, diện tích nuôi tôm là 600.000ha với 300.000ha nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến, tạo ra hàng triệu việc làm. Chúng ta đã xây dựng được ngành nuôi tôm công nghiệp với diện tích 95.000ha. Quan trọng hơn, con tôm là sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của nhiều tầng lớp với các phân khúc thị trường khác nhau” - ông Thắng nói.

TS Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - nhận định: “Chúng ta đã có được điều kiện nuôi, khí hậu, thời tiết, diện tích nuôi, chuyên môn, hệ thống thu gom, chế biến và thị trường xuất khẩu với hơn 90 quốc gia. Điều cần làm là liên kết các yếu tố này, lên kế hoạch bài bản nhằm khai thác hết tiềm năng”.

“Nuôi tôm thiếu điện khác gì tự sát”

Đứng trước “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” như vậy, đâu là trở ngại trên lộ trình đưa con tôm thành sản phẩm chủ lực quốc gia? Theo TS Luân: “Hiện có 2 vấn đề mấu chốt là hạ tầng vùng nuôi chưa đồng bộ và con giống bố mẹ phụ thuộc vào nhập khẩu. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bồi lắng rất nhanh, cần nạo vét 2-3 năm một lần nhưng Nhà nước không đủ kinh phí làm liên tục. Nhiều nơi chưa phổ cập điện ba pha nên dân phải chạy máy nổ, tốn kém hơn dùng điện nhiều”.

Ông Kim Văn Tiêu - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia - nêu ví dụ: “Quảng Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng giá tôm vẫn cao do chưa có hệ thống điện và mương cấp - thoát nước đủ mạnh. Dân mua giống, thức ăn phải qua nhiều khâu trung gian, phải dùng máy phát điện nên giá bị đội lên cao. Ở Sóc Trăng, Cà Mau - các thủ phủ tôm - cũng tương tự. Nuôi tôm mà thiếu điện khác gì tự sát”.

Theo các chuyên gia, quy mô nhỏ lẻ khiến hạ tầng được đầu tư chưa đến nơi đến chốn, việc tổ chức sản xuất quy mô lớn để áp dụng khoa học, kỹ thuật gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ nuôi ở vùng sâu, kỹ sư nông nghiệp khó đi hết từng hộ để hướng dẫn. Ông Nguyễn Văn Nhiệm - Hiệp hội Tôm giống Mỹ Thạnh (Bình Thuận) - phản ánh: “Chuyện thường thấy là người bán giống, thức ăn, chế phẩm sinh học trở thành kỹ sư hướng dẫn người dân. Họ không có kiến thức, chỉ tư vấn dựa vào kinh nghiệm bán hàng nên tôm không thể đảm bảo năng suất, chất lượng”.

Theo ông Nhiệm, vấn đề lo nhất vẫn là con giống: “Hiện chúng ta nhập gần như hoàn toàn, giống trong nước chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng. Muốn đạt 10 tỷ USD, sản lượng nuôi phải gấp 3 lần hiện nay. Nếu không chủ động được tôm giống bố mẹ, chướng ngại sẽ không nhỏ”. Chung nỗi lo này, TS Luân nói: “Nếu không giải quyết được, khi các nước không bán giống cho mình nữa hoặc thị trường biến động thì chúng ta sẽ bị động”.

Hiện Bộ NN&PTNT có 3 viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản thực hiện nghiên cứu chọn tạo tôm giống bố mẹ. Trong đó, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 ở Khánh Hòa năm 2016 đã chọn tạo thành công. Tuy nhiên, số tôm giống bố mẹ do viện cung cấp mới chỉ đáp ứng 10% nhu cầu thị trường.

Tăng kết nối, tổ chức lại sản xuất

Để đưa con tôm trở thành sản phẩm chủ lực quốc gia, theo TS Luân, cần bám sát định hướng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tổ chức sản xuất lại theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị từ vật tư đầu vào đến nuôi, chế biến, phân phối, tiêu thụ tôm; trong đó doanh nghiệp đóng vai trò đầu tàu. Các hộ nuôi nhỏ lẻ được tổ chức thành hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp.

Mô hình này đã được triển khai ở một số nơi và cho kết quả rất tốt. Ông Cao Chí Nhã - Phó Giám đốc Công ty chế biến thủy sản xuất khẩu Thiên Phú (Bạc Liêu) - cho biết, công ty đang liên kết với 300 hộ dân Kiên Giá (Đông Hải, Bạc Liêu) có diện tích nuôi tôm 500ha. Thiên Phú cung cấp con giống, chế phẩm sinh học với giá thấp hơn thị trường và thu mua 2 lần/tháng.

“Công ty cử kỹ sư giám sát chất lượng nước, thời tiết để hướng dẫn bà con nuôi đúng cách, sử dụng thức ăn và chế phẩm sinh học đúng liều nên tôm hầu như không bị bệnh, thường xuyên trúng vụ. Công ty bao tiêu 100% sản phẩm cho người dân, đảm bảo giá mua luôn cao hơn thị trường 25.000-30.000 đồng/kg” - ông Nhã nói.

Tuy hiệu quả cao, nhưng những mô hình như vậy chưa có nhiều. Theo ông Luân, tại 3 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau mới chỉ có hơn 20 hợp tác xã kết hợp với doanh nghiệp. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục khuyến khích nhân rộng mô hình này. Ngoài chuyện tổ chức sản xuất, ngay cả trong việc giải quyết vấn đề giống, ông Luân cũng cho rằng cần có sự “bắt tay” hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp để nghiên cứu và đưa sản phẩm vào quy trình nuôi trồng thực tế, ứng dụng trên quy mô rộng.

Hiểu rõ thực tế ngành tôm sau hàng chục năm gắn bó, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thạnh (Bình Thuận) Nguyễn Văn Nhiệm đề xuất: “Con tôm không phải chuyện riêng của của Nhà nước mà người dân cũng phải lo. Ví dụ, Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, đường điện... thì người dân, doanh nghiệp có thể đóng góp phần nào kinh phí hoặc đầu tư nghiên cứu mô hình nuôi trồng chất lượng tốt. Không thể cứ trông chờ hết vào Nhà nước”.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về phát triển ngành tôm Việt Nam sớm đạt mục tiêu quốc gia, ngày 8/3 vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã có cuộc họp giữa Thứ trưởng Trần Việt Thanh và các vụ ngành liên quan.

nuôi tôm

Tôm giống đươc sản xuất tại Đại học Nông - Lâm TPHCM. Ảnh: Hoàng Phúc

Theo đó, Thứ trưởng Trần Việt Thanh đã chỉ đạo Vụ Khoa học và Kỹ thuật ngành xây dựng hồ sơ đưa con tôm vào danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia. Đồng thời, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNN xây dựng các đề tài, chương trình KH&CN riêng cho tôm nước lợ. Dự kiến, kế hoạch và tờ trình sẽ được hoàn thiện và trình Thủ tướng phê duyệt vào cuối tháng 3/2017.

Theo Khoa học và Phát triển

Công Ty Thức ăn Chăn Nuôi và Trang trại có nhu cầu mua sản phẩm bột bã hèm bia vui lòng liên hệ :

CÔNG TY TNHH SẢN XUẤT THƯƠNG MẠI BÃ HÈM BIA.

Hotline: 091 567 2347

Email: bahembianhapkhau@gmail.com

Web: bahembia.com

----------------------------------------

Đơn vị phân phối:

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ THIÊN KHÔN PHÚ
Adress: 63 Đường số 13 - P.Bình Trị Đông B - Q.Bình Tân - TP.HCM
Phone: 08.6260 0412 -Fax: 08.6260 2239
Email: thienkhonphujsc@gmail.com
Kho hàng: Lô F9, Khu Công Nghiệp Vĩnh Lộc, Xã Vĩnh Lộc B, Huyện Bình Chánh

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện