Xuất khẩu tôm sang Mỹ cuối năm có thể chững lại vì thuế CBPG
8 tháng đầu năm nay, tổng giá trị XK tôm đạt 1,93 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, giá trị tôm sú giảm nhẹ 0,5%; tôm chân trắng tăng 10%.
Đáng chú ý nhất là thị trường Mỹ. Tính đến hết tháng 8/2016, XK tôm Việt Nam đạt 435,3 triệu USD; tăng 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ vẫn duy trì đà tăng trưởng NK tôm từ Việt Nam do nhu cầu thị trường này tăng trong khi các nguồn cung khác cho Mỹ như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador, Thái Lan đều gặp khó khăn về nguồn cung nguyên liệu dẫn tới giá XK tăng. Mỹ cũng đang tăng nhu cầu NK tôm sú trong khi sản lượng thu hoạch tôm sú ở Ấn Độ và Indonesia đều giảm. Hiện cũng là thời điểm các nhà hàng và các hãng bán lẻ ở Mỹ tung ra các chiến lược quảng cáo, xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ tôm của người tiêu dùng cho dịp cuối năm.
Vào tháng 9/2016, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố mức thuế chống bán phá giá (CBPG) cuối cùng trong đợt xem xét hành chính POR10 cao hơn gấp 5 lần so với mức thuế sơ bộ. Quyết định này trước mặt gây áp lực tâm lý cho cả DN XK và phía khách hàng, có thể trong quý cuối năm XK tôm sang Mỹ sẽ chững lại.
XK tôm sang EU vẫn đạt mức 372 triệu USD, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 3 thị trường đơn lẻ lớn nhất cũng có giá trị XK tăng lần lượt: Anh tăng 8,4%; Hà Lan tăng 29% và Đức tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2015. XK tôm sang Anh – thị trường XK đơn lẻ lớn nhất khối EU tăng là do thị trường này tăng nhu cầu NK tôm nước ấm trong khi nguồn cung tôm nước lạnh giảm và giá cao. Nửa đầu năm nay, doanh số tôm nước ấm tăng và lần đầu tiên vượt qua doanh số tôm nước lạnh trong 3 năm trở lại đây.
XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản 8 tháng đầu năm nay chưa có sự phục hồi đáng kể là do đồng yên suy yếu, kinh tế chưa phục hồi và giá tôm cao. Tính đến tháng 7 và 8/2016, giá tôm NK vào Nhật Bản tăng mặc dù đồng yên mạnh hơn vì nguồn cung sụt giảm và nhu cầu thị trường thế giới tăng. Tuy nhiên, Nhật Bản tăng NK tôm từ Ấn Độ nhưng giảm NK tôm từ Thái Lan và Việt Nam. Tính đến hết tháng 8/2016, giá trị XK sang thị trường này đạt 343,7 triệu USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu cá tra tăng chậm
8 tháng đầu năm nay, giá trị XK cá tra đạt 1,08 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Tại hầu hết các thị trường XK lớn, giá trị XK đều tăng chậm. Mỹ và Trung Quốc là hai điểm sáng của bức tranh XK cá tra trong thời gian này.
Giá trị XK cá tra sang Mỹ đạt 254,5 triệu USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước. Rào cản thuế chống bán phá cá cao và tâm lý lo ngại về chương trình thanh tra cá da trơn vẫn đè nặng lên các nhà XK. Tuy nhiên, 2-3 DN ít ỏi tham gia bám trụ thị trường này vẫn quyết tâm và cố gắng duy trì doanh số XK.
XK cá tra sang thị trường EU tiếp tục giảm trong 2 năm liên tiếp. Kết thúc tháng 8/2016, giá trị XK cá tra sang EU đạt 177,3 triệu USD, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiêu thụ cá tra tại EU kể từ cuối năm 2014 đến nay tăng trưởng chậm. Cá tra Việt Nam vẫn đang chịu cạnh tranh gay gắt bởi một số sản phẩm cá thịt trắng như cá Alaska Pollock tại các thị trường chính như: Hà Lan, Anh, Tây Ban Nha hay Đức.
Trung Quốc là thị trường XK tăng trưởng mạnh của DN XK cá tra với giá trị XK đạt 171,9 triệu USD, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng XK sang Trung Quốc tiếp tục tăng trong 2 năm trở lại đây. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn tiếp tục đưa ra khuyến cáo với các DN khi quyết định tăng cường XK sang Trung Quốc. Trong nửa đầu năm nay, thương lái Trung Quốc đã làm loạn giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL khi lúc tăng lúc ngừng mua cá tra cỡ lớn (>1kg).
Xuất khẩu hải sản đang phục hồi
Ngay đầu năm nay, sự cố môi trường biển đã ảnh hưởng đến hoạt động XK của các DN XK hải sản tại miền Trung, đặc biệt là Hà Tĩnh. Khó khăn về nguyên liệu trong nước cùng với nhu cầu không ổn định tại các thị trường NK ảnh hưởng đến tình hình XK của các DN hải sản. Tuy nhiên, nhìn chung, XK hầu hết các mặt hàng hải sản đang có xu hướng phục hồi, dù mức tăng trưởng không cao.
XK cá ngừ trong tháng 8 đã tăng 10%, các loại cá biển khác tăng gần 15%, mực, bạch tuộc tăng 1,7%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ tăng 4,4%, XK cua ghẹ tăng gần 61%.
Giá trị XK cá ngừ 8 tháng đầu năm đạt 309,8 triệu USD; tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị XK cá ngừ tươi/sống/đông lạnh (mã HS 03) của Việt Nam vẫn tiếp tục chiếm ưu thế, chiếm 58,3% tổng XK cá ngừ Việt Nam. Tỷ trọng XK mặt hàng này tăng so với cùng kỳ năm ngoái (54,4%). XK cá ngừ chế biến (mã HS 16) chiếm 41,7%; giảm từ 45,6% của cùng kỳ năm ngoái.
Top 8 thị trường NK cá ngừ chính của Việt Nam bao gồm Mỹ, EU, ASEAN, Trung Quốc, Israel, Nhật Bản, Canada, Mexico; chiếm 88,2% tổng giá trị XK cá ngừ của Việt Nam.
Các mặt hàng hải sản khác như: cá các loại khác tăng 8,3%; cua ghẹ và giáp xác khác tăng 7,2%, còn giá trị XK nhuyễn thể (gồm mực, bạch tuộc và nhuyễn thể hai mảnh vỏ) giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước.
theo vasep