Kiến Thức Trồng Trọt

Đồng Tháp tìm “ngoại lực”, cải tạo đồng ruộng để nâng giá trị hạt lúa

Thứ tư, 08/10/2014 04:36 lượt xem: 1673
Với kế hoạch hình thành khoảng 10.000 héc ta đất chuyên canh lúa theo mô hình cánh đồng lớn, tỉnh Đồng Tháp sẽ là địa phương đi tiên phong ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong việc mời gọi sự hợp tác từ nước ngoài, cụ thể là Hàn Quốc, nhằm phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ lúa gạo.

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết, Chính phủ đã đồng ý với dự án và đối tác phía Hàn Quốc (Tập đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng đã cơ bản đồng thuận với chương trình hợp tác này.

Tuy nhiên theo ông Dương, trong quá trình thương thảo, phía Hàn Quốc cho rằng vốn vay ODA cho cả chương trình trong dự án ước khoảng 400 – 500 tỉ đồng phải được xác định rõ nguồn đảm bảo. Từ nguồn tài chính đó các bên mới có thể bàn bạc sâu, đi đến xác định lộ trình và phương thức thực hiện cụ thể. Trước mắt, “tỉnh Đồng Tháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phải chứng tỏ được sự đảm bảo về tài chính với phía đối tác thì mọi việc mới có thể bắt đầu,” ông Dương nói.

Về mặt chuyên môn, ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp, cho biết dự án khi thực hiện sẽ triển khai theo hình thức cuốn chiếu để hoàn chỉnh từng cánh đồng với qui mô tùy thực địa và nhân rộng dần theo kế hoạch. Ông Công cho rằng, việc xóa bờ thửa của nhiều thửa ruộng manh mún sẽ làm tăng thêm diện tích mặt bằng cho sản xuất, song cần phải quy hoạch lại các bờ vùng theo qui mô, hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng phục vụ các hoạt động đi lại chăm sóc, vận chuyển vật tư, lúa hàng hóa… Về mặt hình học, những cánh đồng lớn phải đảm bảo các điều kiện thuận tiện, mỹ quan, diện tích canh tác…

Theo thỏa thuận ban đầu, đối tác Hàn Quốc sẽ giúp Đồng Tháp tổ chức lại sản xuất, gồm các việc thiết kế lại các vùng sản xuất, san phẳng mặt ruộng của từng vùng theo công nghệ định vị bằng tia laser; xây dựng liên kết với các doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư nông nghiệp; bao tiêu đầu ra… phù hợp với đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp.

“Trong quá trình đàm phán, doanh nghiệp kinh doanh lương thực từ phía tập đoàn đối tác Hàn Quốc đã đề ra phương án đặt hàng cho nông dân sản xuất từng loại giống lúa theo từng cánh đồng,” ông Công cho biết.

Nông dân Trần Văn Dũng ở xã Phú Cường, huyện Tam Nông (Đồng Tháp), cho rằng nếu phương thức này được lựa chọn, sản xuất theo đơn đặt hàng sẽ chắc ăn hơn cho nông dân bởi doanh nghiệp đã “chỉ mặt đặt tên” giống lúa mà họ cần.

Là người giàu kinh nghiệm trong đầu tư sản xuất lúa theo qui mô cánh đồng lớn, nông dân Nguyễn Lợi Đức ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang là người đã “xé rào” hạn điền từ nhiều năm trước. Thời điểm đó nhiều nông dân lần lượt ly nông, ông Đức lại làm ngược bằng cách tích tụ dần ruộng đất, ứng dụng công nghệ định vị bằng laser san phẳng mặt ruộng để hiện nay ông có trong tay tổng diện tích đất trồng lúa trên 100 héc ta. Ông Đức cho rằng, hệ thống thủy lợi hiện có sẽ quyết định qui mô cho từng cánh đồng. Theo ông Đức, qui mô canh tác mỗi vùng nên giới hạn khoảng 5 – 10 héc ta là vừa, vì không thể có một cánh đồng rộng vài chục héc ta nhưng bằng phẳng tuyệt đối theo ý muốn chủ quan.

Tuy nhiên, đầu tư bề mặt ruộng, hạ tầng phục vụ chỉ mới là bước làm giảm giá thành sản xuất lúa. Nỗi đau của nông dân từ lâu nay luôn là vấn đề giá cả lúa gạo không ổn định, ông Đức bức xúc. Ông Đức cho rằng nếu nói sản xuất theo chất lượng yêu cầu, rất nhiều nông dân ĐBSCL có đủ khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn, chẳng hạn như những mô hình sản xuất theo các chuẩn thực hành sản xuất tốt (Global GAP, Viet GAP).

“Sản xuất lúa theo đặt hàng với mức giá sản phẩm đúng với giá trị của nó thì nông dân không thể nghèo, nhất là khi nhu cầu tiêu dùng gạo cao cấp trên thế giới ngày càng tăng”, ông Đức khẳng định.

Trong chuyến làm việc với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ hồi tháng 4 vừa rồi, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, bày tỏ sự đồng tình với đề án tổng thể về tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý, đề án nên xác định mục tiêu phấn đấu tăng giá trị lợi nhuận trên đơn vị diện tích đất sản xuất. Song song đó Đồng Tháp phải có biện pháp phối hợp Bộ Công Thương trong nghiên cứu thị trường, xác định nhu cầu xã hội để tổ chức sản xuất sao cho hiệu quả cao.

Cũng tại buổi trình bày đề án tái cơ cấu nông nghiệp này của tỉnh Đồng Tháp, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan, nói rằng Đồng Tháp chỉ tổ chức lại sản xuất khi tìm được câu trả lời cho hàng loạt câu hỏi: Trồng thứ gì? Bán cho ai? Bán ở đâu? Giá bao nhiêu?... Theo ông Hoan, nếu chưa tìm được các câu trả lời đại loại như vậy thì chưa làm.

“Hy vọng với dự án 10.000 héc ta đất chuyên canh lúa theo dự án hợp tác với đối tác Hàn Quốc lần này, nông dân Đồng Tháp trong vùng quy hoạch thuộc các huyện Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười… sẽ thật sự cải thiện được thu nhập,” nông dân Nguyễn Văn Mẫm ở huyện Thanh Bình bày tỏ.

Theo thống kê của ngành NN&PTNT Đồng Tháp, tổng sản lượng gạo xay xát tại Đồng Tháp năm 2010 là 1.942.000 tấn, trong đó phục vụ tiêu dùng trong tỉnh là 280.000 tấn, xuất khẩu 500.000 tấn và lượng còn lại cung ứng cho các doanh nghiệp tiêu thụ ngoài tỉnh.

Theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Đồng Tháp đề ra mục tiêu tổng sản lượng gạo xay xát đạt 2.800.000 tấn, trong đó cung ứng tiêu dùng trong tỉnh là 320.000 tấn, xuất khẩu 400.000 tấn và tiêu thụ ngoài tỉnh 2.080.000 tấn vào năm 2020.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện