Tin tức thủy sản

Dân nghèo, nuôi tôm đắt nhưng bán rẻ?

Thứ tư, 27/05/2015 03:17 lượt xem: 321
Người nuôi tôm Việt Nam đang đứng ngồi không yên vì giá tôm nguyên liệu liên tiếp giảm, nhưng chi phí đầu vào vẫn tăng đều đặn, tác động không nhỏ lên hơn nửa triệu ha tôm nuôi trên cả nước và hàng triệu hộ nông dân.

Giá tôm nguyên liệu tăng hay giảm là chuyện bình thường trong nuôi tôm, nhưng giảm sâu, giảm kéo dài như hiện nay thì có vẻ giờ mới thấy. Người nuôi tôm đang rất lo lắng vì sợ cảnh trắng tay tái diễn. Với cả tôm sú lẫn tôm thẻ chân trắng, giá đều giảm mạnh, trung bình khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng tư, thậm chí giảm 60.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm ngoái. Nghịch lý là trong khi giá tôm đầu ra giảm thì các chi phí đầu vào đều tăng mạnh, đáng kể nhất là thức ăn và điện.

Ông Nguyễn Tấn Công (xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) ngậm ngùi: Chưa bao giờ giá tôm rớt thê thảm và kéo dài như hiện nay, nhưng thức ăn, thuốc, điện lại tăng giá. Hiện nay, trung bình giá thức ăn tăng 800 đồng/kg. Các loại thuốc trong nuôi tăng 9 - 10%. Giá điện cũng tăng, trung bình 200 - 1.000 đồng/kWh. Để cắt lỗ, giải pháp được họ thực hiện là để tôm nằm dưới ao "chờ giá". Tuy nhiên, đây cũng không phải là biện pháp lâu dài, vì mỗi ngày chi phí phải bỏ ra cũng tới 2 triệu đồng.

Người nông dân than thở, trong chuỗi sản xuất họ chỉ "lấy công làm lãi", còn lại đều là doanh nghiệp hưởng lợi. Ông Nguyên Văn Trình (xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) chia sẻ, trung bình 1 tấn tôm thương phẩm thu được, người nuôi phải chi phí khoảng 10 triệu đồng tiền thuốc thú y và khoảng 1 triệu đồng tiền chế phẩm sinh học, chưa kể chi phí lớn tiền thức ăn. Nếu vụ mùa thành công thì người nuôi có lãi, nhưng trong tình hình dịch bệnh thường xuyên xảy ra cộng với các chi phí đều tăng như hiện nay thì không lỗ là may.

Tuy nhiên, nhiều năm nay, các doanh nghiệp lớn xuất khẩu tôm của Việt Nam đều than phiền giá thành nuôi tôm trong nước quá cao. Đây là lý do chính khiến con tôm sau chế biến xuất khẩu của Việt Nam yếu thế trong cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Lãnh đạo một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm của Việt Nam cho biết, trên thị trường thế giới, sản phẩm tôm sú của các doanh nghiệp trong nước thường phải bán thấp hơn giá tôm của Thái Lan và một số nước khác. Thế nhưng, con tôm sú đầu vào mà doanh nghiệp mua của nông dân lại cao hơn các nước khoảng 15 - 30%. Ngay cả tôm thẻ chân trắng cũng trong hoàn cảnh tương tự. Đáng bàn ở chỗ, giá tôm nguyên liệu đầu vào của Việt Nam cao hơn các nước lân cận nhưng nông dân vẫn thua lỗ, ngược lại nông dân các nước luôn có lãi.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Ở nước ta hiện nay, tình hình nuôi thủy sản manh mún, chủ yếu hộ gia đình, vấn đề quy hoạch vẫn bỏ ngỏ. Và tất nhiên, không có quy hoạch thì không có đầu tư giao thông, thủy lợi. Kênh thủy lợi lấy nước nuôi tôm thì đa phần nông dân tự đào nên dễ dẫn đến tình trạng dịch bệnh nếu xảy ra dễ lây lan và càng dịch bệnh thì giá thành nuôi càng cao. Thứ nữa, là chất lượng con giống không đảm bảo nên tỷ lệ hao hụt nhiều. Cùng đó, giá thành thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam quá cao, trong khi chi phí thức ăn chiếm 60 - 70% giá thành sản xuất. Chưa kể, đầu tư cho 1 ha tôm ban đầu khá lớn, khoảng 150 - 200 triệu đồng, nhưng nông dân đa phần thiếu vốn và phải dựa vào vay hỗ trợ, tuy nhiên cũng chỉ được vay tối đa khoảng 15% số tiền cần đầu tư, (với nhiều điều kiện ràng buộc và có thế chấp), còn lại phải vay ngoài. Do vậy, để xoay xở, họ buộc phải chọn các giải pháp giá rẻ…

Trong câu chuyện này, một vấn đề mà nhiều người biết nhưng ít nhắc tới, đó là khâu trung gian trong mua bán quá nhiều. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp không trực tiếp thu mua tôm nguyên liệu của nông dân, mà thường thông qua thương lái và thương lái thì mặc sức làm giá. Do vậy, nếu doanh nghiệp không bắt tay với người nuôi tôm, không ngồi chung với họ thì người nuôi tôm Việt Nam sẽ mãi chịu cảnh "kép phụ", nuôi thì đắt mà bán chẳng bao giờ cao. 

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện