Thông tin thị trường

Cạnh tranh kém, Việt Nam đứng trước nguy cơ mất ngôi Á quân xuất khẩu cà phê

Thứ năm, 03/12/2015 13:32 lượt xem: 511

Tại Diễn đàn triển vọng và phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam 2015, Ban Điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam (VCCB) cho biết năm nay Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu cà phê thứ 2 thế giới sau Brazil, tuy nhiên thị phần xuất khẩu đã giảm xuống, chỉ còn 18% so với 22% trong năm 2014.

Theo VCCB, trong 11 tháng của năm 2015, cả nước xuất được 1,13 triệu tấn cà phê đạt 2,3 tỷ USD, giảm 28% về lượng và 30% về giá trị.

 

Giá bán bình quân cũng giảm từ 41.000 đồng/kg năm 2014 xuống 36.000 đồng/kg vào đầu vụ đang thu hoạch năm nay.

 

VCCB cho biết kết quả điều tra doanh nghiệp cà phê năm 2015 của Ban cho thấy doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do giá giảm, nhiều nông dân và nhà đầu cơ giữ giá không bán, khó khăn về nguồn cung với các doanh nghiệp xuất khẩu, chất lượng cà phê thấp, nông dân không đầu tư công nghệ sau thu hoạch.

 

Cùng với đó, doanh nghiệp cho rằng tỷ giá USD không ổn định, rủi ro đối với doanh nghiệp vay vốn ngoại tệ trong hợp đồng kinh doanh xuất khẩu. Chưa có sự thống nhất về giá bán kỳ hạn, nên doanh nghiệp Việt Nam bị các doanh nghiệp nước ngoài thao túng về giá.

 

Giá nội địa cao hơn giá xuất khẩu nên doanh nghiệp khó mua nguyên liệu. Vốn ưu đãi hỗ trợ tái canh quy định lãi suất tối đa là 7%/năm là quá cao, vì đầu tư cho 1ha cà phê lớn, thủ tục ngân hàng phức tạp.

 

Cà phê Việt Nam cũng cạnh tranh kém vì 2 nước xuất khẩu lớn là Brazil và Colombia phá giá đồng tiền.

 

Khảo sát của VCCB cho thấy năm 2016 các doanh nghiệp dự báo sản lượng cà phê Việt Nam sẽ tăng thêm24.000 tấn, xuất khẩu tăng thêm 30.000 tấn so với năm 2015, với mức tồn kho vẫn rất cao.

 

Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) thì cho rằng xuất khẩu cà phê nhân năm 2015 giảm mạnh có hai nguyên nhân chủ yếu, một là mất mùa do thời tiết khiến sản lượng giảm khoảng 20% và hai là do đầu tư nước ngoài của Nestlé, Olam, Cà phê Ngon... đưa các nhà máy chế biến đi vào hoạt động tiêu thụ lớn lượng cà phê nhân, đặc biệt nhiều cơ sở rang xay nhỏ phát triển khiến cà phê chế biến gia tăng.

 

Dự kiến năm 2015 lượng xuất khẩu cà phê chế biến tăng 25% so với năm 2014, đạt mức xuất khẩu 68.000 tấn. Vicofa cũng cho biết lượng cà phê nhân tiêu dùng trong nước năm nay đã tăng lên trên 10%.

 

Kết quả cuộc khảo sát về thị trường cà phê tại Việt Nam và các quốc gia khác ở khu vực châu Á năm 2013 của Công ty nghiên cứu thị trường Mintel (Anh) cho thấy thị trường bán lẻ cà phê Việt Nam sẽ đạt 573,75 triệu USDvào năm 2016.

 

Các doanh nghiệp kinh doanh cà phê trong nước cũng đưa ra ước tính rằng, chỉ cần 20% số dân Việt Nam uống thêm một ngày một ly cà phê (bình quân 25g/ly), mỗi năm sẽ tiêu thụ thêm 128.000 tấn cà phê bột, tương đương với 196.000 tấn cà phê nhân, chiếm 14% sản lượng cà phê hàng năm.

 

Theo thống kê của Vicofa, tổng công suất các nhà máy chế biến cà phê hòa tan hay còn gọi là cà phê 3 trong 1 (cà phê - đường - sữa) trên cả nước hiện đạt 164.400 tấn/năm.

 

Đứng đầu là Nestlé Việt Nam với công suất 56.200 tấn/năm, đứng thứ 2 là Vinacafe Biên Hòa với tổng công suất33.200 tấn/năm, đứng thứ 3 là hai công ty cà phê Ngon và Trung Nguyên với công suất 32.000 tấn/năm mỗi công ty.

 

Ước tính 3 công ty là Vinacafe Biên Hoà, Nestlé và Trung Nguyên chiếm khoảng 90% thị phần cà phê hoà tan tại Việt Nam, được chia đều với độ chênh 1 - 2% tuỳ theo thời điểm.

 

Ông Vũ Quốc Tuấn - Trưởng phòng Đối ngoại Nestlé cho biết nhu cầu tiêu dùng cà phê trong nước hiện đang tăng nhanh với hai phân khúc rất rõ gồm: Cà phê rang xay chiếm 2/3 sản lượng cà phê được tiêu thụ và cà phê hòa tan chiếm 1/3.

 

Tuy nhiên, cà phê hòa tan lại thu hút các nhà sản xuất lớn bởi hợp với xu hướng tiêu dùng nhanh của giới trẻ và thói quen uống cà phê hòa tan đã được người tiêu dùng định hình.

 

Duy Khánh (Trí Thức Trẻ)

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện