Báo cáo của Vụ Kế hoạch, Bộ NN&PTNT cho thấy, trong những năm qua, công tác nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao giống đã tạo ra bộ giống đa dạng áp dụng cho sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, công tác sản xuất giống đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm với nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho các tổ chức, đơn vị tham gia nghiên cứu, tái tạo nguồn giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản với đa dạng chủng loại cùng chất lượng tốt.
Như với thủy sản, cả nước có 2.305 cơ sở sản xuất tôm nước lợ, 230 cơ sở sản xuất giống cá tra bố mẹ, 236 cơ sở sản xuất và kinh doanh giống cá rô phi, 180 cơ sở sản xuất giống nhuyễn thể… Mỗi năm các cơ sở sản xuất được hơn 2 tỷ cá tra giống, hơn 36 tỷ tôm sú giống, 115,8 tỷ giống tôm thẻ chân trắng, 350 triệu cá rô phi giống, 25 tỷ nhuyễn thể…
Vai trò của doanh nghiệp trong sản xuất, nghiên cứu và phổ biến giống mới được thể hiện rõ nét. Đại diện Công ty CP Thủy sản Việt-Úc, đơn vị tiên phong nghiên cứu sản xuất giống bố mẹ tôm thẻ chân trắng chia sẻ, Việt-Úc mong muốn tạo được nguồn tôm bố mẹ “Made in Việt Nam” để thực sự chủ động nguồn giống, mang lại hiệu quả sản xuất cao nhất cho người dân. Đơn vị đã được Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản đánh giá cao cũng như tin tưởng vào những công nghệ cùng sự đầu tư nghiên cứu của doanh nghiệp trong những năm qua.
Tuy nhiên, công tác sản xuất và quản lý giống vẫn còn những bất cập nhất định, như chất lượng nguồn giống chưa cao, hiệu quả sản xuất còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tiễn, còn nhập khẩu nhiều. Với lĩnh vực thủy sản, các cơ sở nhân giống cá rô phi chỉ đáp ứng trên 70%; con giống nhuyễn thể đáp ứng được 50% nhu cầu thả nuôi. Hơn 90% bò giống ở nước ta được nhân ra từ giao phối trực tiếp nên nguồn gốc không rõ ràng…
Cũng tại Hội nghị, theo đại diện trung tâm sản xuất giống các địa phương, Sở NN&PTNT các tỉnh đã đưa ra những khó khăn và bất cập trong công tác quản lý giống hiện nay. Ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, Sở có giao nhiệm vụ cho Trung tâm giống địa phương thực hiện sản xuất nhiều loại giống khác nhau trong nông nghiệp, thủy sản, cây trồng… Về lĩnh vực thủy sản năm 2014, nhu cầu giống tôm toàn tỉnh là 6,3 tỷ con, nhưng tỉnh chỉ đáp ứng được 22% còn lại là các doanh nghiệp.
Các đại biểu đều nhất chí cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ về giống bao gồm bảo tồn và khai thác quỹ gen, nghiên cứu chọn tạo giống, nâng cấp và hoàn thiện các cơ sở giống ở Trung ương và địa phương theo hướng đồng bộ và hiện đại. Đồng thời, đổi mới cơ chế chính sách trong đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng vật nuôi.
Phát biểu tổng kết Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định: Để chủ động trong sản xuất cũng như tạo lập được nguồn giống cây trồng, vật nuôi chất lượng, cần đổi mới căn bản công tác quản lý giống dựa trên các hành lang pháp lý; Có chiến lược, chương trình về giống trong 10 năm tới, trong đó, tập trung phát huy những cây, con vật nuôi là thế mạnh của Việt Nam; Cùng đó, cần quyết liệt, xây dựng đề xuất các chính sách, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu giống thương mại; Thực hiện liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và viện nghiên cứu; Kết hợp thực hiện chương trình nghiên cứu dài hơi về giống.
Mặt khác, địa phương cần hỗ trợ, thu hút cá doanh nghiệp tham gia tích cực vào công tác sản xuất giống; doanh nghiệp cần đề xuất những chính sách, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho công tác sản xuất giống; để tạo nguồn giống, chất lượng, mang tính toàn cầu hóa, có thể cạnh tranh với thị trường thế giới.