Đâu là nguyên do?
Brazil không phải là thị trường “êm ả” để cá tra Việt Nam tiến sâu vào Nam Mỹ. Dù đây là thị trường tiềm năng nhưng lại ẩn chứa nhiều rủi ro và giá thấp. Năm 2011, Tổng thống Brazil Dilma Rousself đã đưa ra kế hoạch “Bigger Brazil” nhằm tăng sức cạnh tranh cho các ngành công nghiệp nội địa trước các đối thủ nước ngoài. Kế hoạch bao gồm các biện pháp tăng cường kiểm soát thương mại qua biên giới, chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu, miễn giảm thuế và khuyến khích doanh nghiệp trong nước xuất khẩu. Chính phủ Brazil cũng kiếm soát chặt chẽ hơn vấn đề sở hữu trí tuệ, hủy bỏ giấy phép nhập khẩu nếu nhãn hiệu sản phẩm ghi sai lệch nguồn gốc xuất xứ - nhằm ngăn chặn hành vi trốn tránh rào cản thương mại của các công ty nước ngoài bằng cách xuất sản phẩm sang các nước Nam Mỹ khác rồi quay trở lại thị trường Brazil. Chính phủ cũng đang nỗ lực phát triển nghề cá và nuôi trồng thủy sản nội địa, Brazil có thể sản xuất trên 20 triệu tấn cá mỗi năm.
Hiệp hội thủy sản tại Santa Catarina “không mấy thiện cảm” khi cá tra Việt Nam cạnh tranh gay gắt với cá rô phi Brazil. Bởi mùi vị cá tra Việt Nam tương đồng với mùi vị cá rô phi nhưng giá thấp hơn nên đã đẩy các nhà sản xuất cá rô phi rơi vào thế bất lợi. Jairo Amézquita, một chuyên gia về thủy sản Brazil đã chia sẻ tại diễn đàn cá rô phi thế giới tại Colombia vào cuối tháng 9/2014, cá tra giá rẻ của Việt Nam đang thế chỗ rất nhiều loại cá thịt trắng trên thị trường Brazil, trong đó có cá tuyết, cá minh thái. Do đó, chúng tôi đang cân nhắc việc thúc đẩy nuôi cá da trơn, để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa, sau đó sẽ tiến tới xuất khẩu sang thị trường Mỹ với giá rất tốt. Việc trước mắt là bàn bạc với chính phủ và nhà sản xuất về các thủ tục, quy tắc, luật lệ khi tiến hành nuôi một loài cá mới. Rõ ràng, cá tra, basa Việt Nam - dù chiếm thị phần không quá lớn trên thị trường Brazil nhưng cũng đủ khiến các ngành thủy sản nội địa phải “chướng tai gai mắt” và tìm giải pháp để đẩy lùi.
Nhanh chóng tháo bỏ
Cá tra Việt Nam đang có vị trí tốt trên thị trường Brazil. Năm 2014, Việt Nam đã vượt Trung Quốc, đứng đầu về xuất khẩu cá fillet đông lạnh cho thị trường Brazil với khoảng 44.000 tấn cá tra trong 8 tháng đầu năm, giá trung bình cũng tăng đáng kể. 4 tháng đầu năm, giá cá da trơn nhập khẩu vào Brazil trung bình 1,93 - 1,94 USD/kg, 4 tháng tiếp theo giá tăng lên 2,02 - 2,08 USD/kg. Do đó, thông tin tạm đình chỉ trên khiến nhiều người quan tâm, thực chất, nguyên nhân gì khiến Brazil ban hành lệnh cấm?
Theo Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) thời gian vừa qua, Cục đã nhận được phản ánh của một số công ty chế biến xuất khẩu thủy sản vào Brazil về việc hàng hóa không được phép nhập khẩu do Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Cung ứng thực phẩm Brazil (MAPA) tạm thời đình chỉ cấp phép nhập khẩu. Nguyên nhân đưa ra, MAPA chưa nhận được báo cáo khắc phục đối với các khuyến cáo nêu tại Báo cáo chính thức của đoàn thanh tra MAPA tại Việt Nam vào tháng 3/2013. NAFIQAD cho biết, đến nay Cục chưa nhận được thông báo chính thức từ Cơ quan thẩm quyền Brazil hoặc từ Cơ quan đại diện ngoại giao của Brazil tại Việt Nam (Đại sứ quán Brazil tại Việt Nam) về việc Brazil ban hành lệnh đình chỉ nhập khẩu thủy sản và sản phẩm thủy sản từ Việt Nam.
Ngay sau khi có thông tin Brazil tạm đình chỉ nhập khẩu cá tra từ Việt Nam, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã kiến nghị Bộ NN&PTNT cần có giải pháp cụ thể để tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này. Đồng thời, lưu ý các doanh nghiệp về giấy phép nhập khẩu sản phẩm cá tra từ Việt Nam của các nhà nhập khẩu Brazil để đảm bảo đơn hàng được thực hiện, nhất là các chỉ tiêu về chất lượng và điều khoản thanh toán.
Trong thời gian này, NAFIQAD đề nghị các cơ sở chủ động liên hệ chặt chẽ với nhà nhập khẩu để cập nhật thông tin; mặt khác NAFIQAD cũng tích cực liên hệ với các bên có liên quan để sớm có được phản hồi từ phía MAPA về báo cáo khắc phục của Việt Nam và sẽ thông báo tới các cơ sở khi có thông tin chính thức.