Tin tức thủy sản

Cá tra, cá basa cung cấp bị thu hẹp dần

Thứ sáu, 27/12/2013 09:21 lượt xem: 1120
Người nuôi cá tra tại ĐBSCL vẫn phải tiếp tục chịu lỗ, dù diễn biến trên thị trường đang có lợi
Người nuôi cá tra tại ĐBSCL vẫn phải tiếp tục chịu lỗ, dù diễn biến trên thị trường đang có lợi họ, đặc biệt khi nguồn cung nguyên liệu đang sụt giảm và thị trường nhập khẩu dần “ấm” lên. Viễn cảnh trên cho thấy người nuôi cá tra thật sự đã hết cơ hội với nghề này.
Đánh bắt và thu hoạch Cá tra trên sông Hậu ( An Giang)

Đánh bắt và thu hoạch Cá tra trên sông Hậu ( An Giang)

Cung thiếu, người nuôi cá vẫn lỗ

Theo quy luật cung- cầu của thị trường: khi cung ít- cầu nhiều, tất nhiên bên bán sẽ ở thế chủ động, có quyền quyết định bán ra sao với mức giá nào và ngược lại.

Tuy nhiên, đối với ngành cá tra ĐBSCL, quy luật cung- cầu ấy dường như không tồn tại khi thị trường cá tra nguyên liệu trong nước đang thiếu hụt, trong khi doanh nghiệp đang cần mua nhiều để chế biến xuất khẩu nhưng giá cá tra nguyên liệu hiện vẫn đủng đỉnh ở mức dưới giá thành sản xuất (chỉ 21.000 – 23.000 đồng/kí lô gam), tức nông dân vẫn đang phải chịu lỗ.

Thực tế, ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và là Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần thủy sản Hùng Vương (Tiền Giang), cho biết kết quả khảo sát của VASEP, cho thấy hiện có khoảng 70% số hộ nuôi cá tra đang giảm nuôi, trong khi đó, về phía doanh nghiệp, có khoảng 60-70% rơi vào cảnh thiếu hụt nguyên liệu phục vụ chế biến.

Qua báo cáo của Hiệp hội thủy sản An Giang (AFA) cũng cho thấy dấu hiệu nguồn cá tra nguyên liệu đang sụt giảm. Theo đó, tổng sản lượng cá tra nguyên liệu được 8 doanh nghiệp thủy sản lớn của tỉnh sử dụng để chế biến xuất khẩu (trong tuần cuối tháng 8-2013) chỉ đạt 5.466 tấn, giảm 431 tấn so với tuần trước đó.

Về tình hình xuất khẩu, tính đến ngày 15-8-2013, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam có giảm khoảng 1,1% so với cùng kỳ năm trước với kim ngạch đạt trên 1,055 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, đánh giá về nhu cầu thị trường, một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong nước khẳng định sẽ tăng mạnh trong những tháng tới, đặc biệt vào dịp cuối năm.

Ông Minh của Hùng Vương, cho biết do thiếu nguyên liệu nên có nhiều doanh nghiệp không dám nhận thêm hợp đồng xuất khẩu của những khách hàng mới.

Hết đường sống với cá tra

Đầu năm 2013, nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL đổ lỗi xuấqt khẩu khó khăn, giá nguyên liệu trong nước xuống thấp, đẩy nông dân vào cảnh lỗ do sản lượng nguyên liệu dư thừa nhiều.

Xuất phát từ lý do trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì nhiều cuộc họp, hội nghị ngay sau đó để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành cá tra ĐBSCL, trong đó, yêu cầu phải kéo giảm sản lượng nguyên liệu xuống còn khoảng 800.000 – 900.000 tấn/năm, từ mức khoảng 1,2 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, hiện dù nguồn cá tra nguyên liệu trong nước đang thiếu hụt và giá xuất khẩu sang Mỹ, khoảng 0,5 – 0,7 đô la Mỹ/kí lô gam. Thế nhưng, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL vẫn không phục hồi được.

Như vậy, bài toán “giảm lượng, tăng giá” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra và kêu gọi triển khai hồi đầu năm 2013 cũng chẳng thể vực dây được giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL, không cứu được người nuôi cá thoát khỏi cảnh lỗ lã đã tồn tại trong hơn 2 năm nay.

Một vị lãnh đạo ngành nông nghiệp ở ĐBSCL (đề nghị không nêu tên), cho biết giá cá tra nguyên liệu trong nước không tăng trở lại là do nông dân đang bị ép giá. “Muốn ngành cá tra ĐBSCL phát triển bền vững, doanh nghiệp phải biết chia sẻ rủi ro và lợi nhuận với người nuôi, chứ một bên có lãi, một bên lỗ như hiện nay, người nuôi cá sẽ không có đường nào sống được với con cá tra cả”, vị này cho biết.

Qua hơn nửa đầu năm 2013, ngành cá tra Việt Nam tiếp tục chứng tỏ là 1 trong 3 ngành kinh tế mũi nhọn của nền nông nghiệp ĐBSCL khi duy trì được mức tăng ổn định cả về sản xuất lẫn xuất khẩu, tuy nhiên, để có được kết quả đó, người nuôi cá đang ngày một “chết” dần.
 

“Còng lưng” góp nhặt cho tăng trưởng

Báo cáo tại hội nghị: “Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL” được tổ chức tại thành phố Cần Thơ hôm nay (21-8), ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết tính đến ngày 16-8-2013, toàn vùng ĐBSCL đã thả nuôi được gần 4.700 hécta cá tra, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, đã thu hoạch được khoảng 3.500 héc ta với sản lượng đạt gần 770.800 tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với hoạt động xuất khẩu, ông Điền dẫn báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết trong 7 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt gần 849,6 triệu đô la Mỹ, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái 0,5% do quí 1 sụt giảm mạnh. “Tuy nhiên, từ quí 2 đến nay, thị trường nhập khẩu cá tra của Việt Nam đã dần hồi phục trở lại, ngoại trừ EU”, ông cho biết.

Đánh giá của các đại biểu tham dự hội nghị này cho biết để đạt được kết quả như trên, ngoài đóng góp của doanh nghiệp, còn có sự góp sức rất lớn từ người nông dân - lực lượng tạo ra nguồn cá nguyên liệu cung cấp cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2013 đến nay, dù có lúc lên, xuống nhưng giá cá nguyên liệu luôn dao động dưới giá thành sản xuất, dẫn đến nông dân nuôi cá rơi vào cảnh lỗ lã liên tục.

Cụ thể, báo cáo của Tổng cục Thủy sản, cho biết giá thành sản xuất trong quí 1-2013 dao động từ 23.000 – 24.500 đồng/kí lô gam, trong khi giá cá nguyên liệu chỉ 20.000 – 22.500 đồng/kí lô gam, người nuôi lỗ 2.000 – 3.000 đồng/kí lô gam; sang quí 2 và đầu quí 3 này, người nuôi tiếp tục lỗ 3.000 – 4.000 đồng/kí lô gam khi giá thành sản xuất dao động từ 22.000 – 24.000 đồng/kí lô gam nhưng giá bán chỉ 19.000 – 20.000 đồng/kí lô gam.

“Dự báo trong quí 4, giá cá tra nguyên liệu sẽ không đổi so với quí 2, tức giá bán dao động quanh mức trên dưới 20.000 đồng/kí lô gam”, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết.

Thiếu cá tra nguyên liệu cuối năm?

Câu chuyện cá tra nguyên liệu đủ hay thiếu rất khó để biết chính xác nhưng tại hội nghị này, ông Trần Văn Hùng, một hộ nông dân nuôi cá tra tại huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp cho biết: “Mỗi địa phương đều có Chi cục Thủy sản, Hội nghề nuôi hết, đừng ngồi nhà báo cáo nữa, phải xác minh thực tế mới biết rõ được. Cách nay 2-3 năm, doanh nghiệp cũng kêu cá đang khan hiếm, dự báo giá lên ghê lắm nhưng cái này chỉ là chiêu dụ của doanh nghiệp mà thôi”.

Dự báo về diễn biến tình hình sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra trong những tháng cuối năm 2013, ông Hòe của VASEP, cho biết từ nay đến cuối năm, nguồn cung cá tra nguyên liệu nhìn chung đủ phục vụ cho chế biến, xuất khẩu với trị giá xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 710 triệu đô la Mỹ, đưa tổng kim ngach xuất cá tra trong năm đạt 1,7 – 1,8 tỉ đô la Mỹ, tương đương năm 2012.

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí bên lề hội nghị này, ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Hùng Vương (Tiền Giang), và là Phó chủ tịch VASEP, cho biết hiện cá tra nguyên liệu đang sụt giảm mạnh sản lượng, từ quí 4 năm nay sẽ xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng.

Theo ông Minh, số liệu báo cáo của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn, cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2013, riêng các doanh nghiệp sản xuất thức ăn bán ra trên 540.000 tấn, bình quân bán 90.000 tấn/tháng, tuy nhiên, từ tháng 7 đến nay, sản lượng thức ăn được các doanh nghiệp bán ra chỉ khoảng 50.000 – 52.000 tấn/tháng.

“Điều này nói lên sản lượng cá nguyên liệu trong nước đang giảm nghiêm trọng và nếu muốn phục hồi trở lại ít nhất phải đến năm 2014 mới tăng lại được”, ông cho biết.

Ông Minh của Hùng Vương cho biết thêm trong vòng 1 tuần trở lại đây, giá cá tra nguyên liệu đã tăng 2.000 đồng/kí lô gam và giá thức ăn bán ra đã giảm, tức cá trong dân không còn nhiều.

Theo kết quả điều tra mới nhất, trong tổng số 70 nhà máy chế biến cá tra hiện nay, chỉ có khoảng 30 doanh nghiệp có vùng nuôi cá, nhưng sản lượng cá chỉ đủ đáp ứng cho sản xuất không quá 15 ngày. Hiện đã có nhà máy ngưng hoạt động, số ít chạy cầm chừng, dự kiến đến đầu tháng 10 sẽ có hàng loạt phải đóng cửa, kéo theo hàng chục ngàn công nhân sắp mất việc.

Từ đầu tháng 09 đến nay, giá cá tra nguyên liệu tăng khá mạnh, hiện nay đã lên mức hơn 23.000 đồng/kg. Kết quả điều tra mới nhất vừa được ông Dương Ngọc Minh, phó chủ hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) công bố, sản lượng cá đủ tiêu chuẩn xuất khẩu hầu như không còn.
 
Còn đủ cá trong hai tuần?
 
Nếu tính cả lượng cá của doanh nghiệp tự nuôi khoảng 40.000 tấn, cá trong dân 15.000 tấn thì tổng cộng nguyên liệu còn lại trong quý 4 chỉ còn khoảng tối đa 50.000 tấn, trong khi nhu cầu mà các nhà máy cần là trên 300.000 tấn. Và lượng cá này mới đạt 400 – 500g/con, phải đến tháng 11 trở đi mới có thể đạt trọng lượng xuất khẩu. Trước thực trạng này, theo dự báo của ông Dương Ngọc Minh, một số doanh nghiệp lớn chỉ còn còn đủ cá để sản xuất trong vòng 10 – 15 ngày. Từ đầu tháng 10 trở đi nếu không mua được của dân thì chỉ còn nước đóng cửa nhà máy.
 
“Doanh nghiệp đang đổ xô đi mua vét cá nhưng ngoài thị trường cũng không có nên phải bắt cá dưới tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong lịch sử ngành cá tra, đây là lần đầu tiên xảy tình trạng thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng như vậy”, ông Minh nói.
 
Tình trạng thiếu hụt nguyên liệu cá tra không chỉ diễn ra trong ngày một ngày hai mà theo dự báo, có thể kéo dài đến tháng 8, tháng 9 năm sau. Điều này được thể hiện qua sản lượng thức ăn chăn nuôi và lượng con giống thả nuôi trong niên vụ 2013 – 2014 đang ở mức thấp hơn cùng kỳ khá xa. Trong hai tháng gần đây, thức ăn nuôi cá cung cấp ra thị trường giảm tới 2/3 sản lượng. Nếu như trước đây 20 nhà máy thức ăn cung cấp bình quân mỗi tháng khoảng 170.000 tấn, thì đến tháng 7 và tháng 8 vừa qua, Vasep thống kê chỉ còn khoảng 55.000 tấn và dự kiến trong tháng 9 này sẽ còn tiếp tục giảm chứ không tăng. Và trong số 20 nhà máy thức ăn, hiện cũng chỉ còn năm nhà máy hoạt sản xuất. Ngoài ra, lượng giống thả nuôi mới từ trong dân và doanh nghiệp cũng giảm tới 50% nên dự kiến nguyên liệu phục vụ xuất khẩu năm 2013 – 2014 giảm còn 500.000 – 600.000 tấn so với hơn 1 triệu tấn năm trước.
 
Nhiều doanh nghiệp tỏ ra tiếc nuối bởi nhu cầu thị trường có và đang có xu hướng tăng trong mùa tiêu thụ cuối năm, nhưng ngành cá tra lại không được hưởng lợi vì không có đủ hàng. Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở An Giang cho biết, trong hai tuần đầu tháng 9 vừa qua, lượng khách hàng hỏi mua cá tra tăng gấp ba, bốn lần bình thường nhưng công ty không dám ký hợp đồng vì sợ không đủ nguyên liệu. “Thông thường, từ tháng 9 trở đi các nước châu Âu, Mỹ vào mùa tiêu thụ chính trong năm nên lượng cá tra xuất khẩu trung bình trong quý này thường đạt khoảng 50.000 – 60.000 tấn philê/tháng. Rất tiếc là ba tháng tới đây, chúng ta chỉ có thể đáp ứng không tới 50% nhu cầu, thiệt hại công ăn việc làm, lợi nhuận đã quá rõ”, vị giám đốc trên trăn trở.
 
Hàng chục ngàn công nhân mất việc
 
70 nhà máy cá tra đang tồn tại hiện nay chỉ có khoảng 30 nhà máy có vùng nguyên liệu, còn lại phải dựa vào dân. Trong khi đó, số nhà máy chủ động đầu tư nuôi cá hiện cũng chỉ có thể đáp ứng được 30% công suất chế biến, nên chắc chắn trong thời gian ngắn tới đây phải chọn giải pháp chạy cầm chừng hoặc đóng cửa là điều khó tránh khỏi.
 
Theo khảo sát, chế biến cá tra vẫn được xem là một trong những ngành sử dụng lao động tay chân nhiều nhất. Hiện, số lao động làm việc trong mỗi nhà máy lên đến khoảng 1.000 người, nghĩa là 70 nhà máy đang sử dụng tổng cộng 7 vạn lao động. “Nhà máy không có hàng xuất khẩu thì đương nhiên không còn doanh thu, do đó các chính sách phúc lợi như bảo hiểm, lương bổng sẽ giải quyết như thế nào là một bài toán nan giải”, ông Minh tâm sự.
 
Tình trạng khan hiếm nguyên liệu đã được dư luận cảnh báo từ đầu 2013. Nếu nhìn xa hơn, việc doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang đối mặt với khó khăn ngày hôm nay là hậu quả do chính họ. Trong suốt hai năm liền gần đây, do giá cá ngoài thị trường quá thấp nên doanh nghiệp không nuôi cá mà phó mặc để dân tự nuôi. Hậu quả là người dân càng nuôi càng lỗ, không còn vốn tái đầu tư, trong khi doanh nghiệp cũng không đầu tư nuôi nên lượng cá ngày càng cạn kiệt. “Năm 2012 doanh nghiệp nuôi 70%, dân nuôi 30% nhưng giá cá thị trường thấp, trong khi doanh nghiệp nuôi giá thành lại cao nên họ ỷ lại không đầu tư nữa, để mua ở ngoài cho thấp, lại còn được nợ. Giờ phải gánh hậu quả”, giám đốc một doanh nghiệp có nuôi cá phân tích.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện