Nguồn lợi cá cơm ngày càng suy giảm
Tuy nhiên, hiện nay do nguồn cung hạn chế, sản lượng cá cơm nguyên liệu đưa vào chế biến chỉ đáp ứng được 50-60% nhu cầu sản xuất. Khai thác quá mức được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến nguồn các cơm ở vùng biển Tây đang bị suy giảm nghiêm trọng trong những năm qua.
Khai thác quá mức được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến nguồn cá cơm ở vùng biển Tây đang bị suy giảm nghiêm trọng
Bà Hồ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc cho biết, trước đây các tàu khai thác cá cơm chủ yếu theo phương pháp truyền thống là dùng lưới vây ngời và ngư trường khai thác quanh vùng đảo Phú Quốc là đủ sản lượng để phục vụ cho các nhà thùng trên địa bàn chế biến nước mắm. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, nguồn nguyên liệu cá cơm không đủ đáp ứng cho sản xuất nước mắm. Do đó, một số nhà thùng ở Phú Quốc đã phải giải nghệ. Thời cao điểm (giai đoạn 2011-2012), trên địa bàn huyện Phú Quốc có trên 100 hộ làm nước mắm nhưng đến năm 2016 giảm chỉ còn 56 hộ (giảm hơn 40%).
Để giải quyết tình trạng khó khăn về nguyên liệu, một số nhà thùng lớn, có đủ điều kiện đã phải tự đầu tư đóng tàu làm nghề lưới vây đi khai thác cá cơm. Tuy nhiên, về căn cơ vẫn cần có giải pháp bảo vệ nguồn lợi cá cơm không bị cạn kiệt để phát triển bền vững.
ThS. Hồ Quốc Việt, Khoa Khoa học Biển và Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Kiên Giang cho biết, theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Hải sản thì trữ lượng và sản lượng khai thác cá cơm ở vùng biển Tây Nam Bộ đã giảm từ 20-30% trong 10 năm qua, với tổng sản lượng từ 172 ngàn tấn (năm 2004-2005) xuống mức 130-152 ngàn tấn (2012-2015). Sản lượng khai thác mỗi năm từ 120 ngàn tấn (2004-2006) xuống còn 83 ngàn tấn (2014-2015). “Cường lực khai thác cá cơm hiện nay đã vượt cường lực khai thác bền vững tối đa”, ông Việt đánh giá.
Giai đoạn 2012-2013, ngư dân đánh bắt cá cơm ở Phú Quốc, đều tập trung bán cho thương lái Trung Quốc, vì giá mua gom tăng cao gấp 2-3 lần so với mức bình thường. Vì thế, nghề khai thác cá cơm trở nên sôi động không kém gì các nghề hủy diệt ngư trường khác. Việc sử dụng các hình thức đánh bắt như dùng ánh sáng vây bao với mắt lưới cực nhỏ, dùng xung điện, thuốc nổ, hóa chất; cộng với việc đánh bắt không theo mùa vụ, không chọn lọc, thiếu kiểm soát đang dẫn tới suy kiệt nguồn lợi cá cơm hiện nay.
Nguồn lợi cá cơm cạn kiệt do khai thác quá mức. Ảnh: Internet
Theo Sở NN-PTNT Kiên Giang, toàn tỉnh hiện có 346 tàu hành nghề lưới vây, trong đó nghề lưới vây cá cơm là 232 chiếc, chủ yếu tập trung ở 2 huyện đảo là Phú Quốc và Kiên Hải. Ngư trường khai thác cá cơm tập trung nhiều quanh quần đảo Thổ Chu, Nam Du, An Thới… Ngoài ra, hàng năm ngư trường khai thác cá cơm của Kiên Giang còn tiếp nhận thêm một lượng lớn tàu cá làm nghề kết hợp ánh sáng (chủ yếu làm nghề pha xúc) của các tỉnh miền Trung vào khai thác, gây canh trnh ngư trường. Một số nghề khai thác không chuyên về cá cơm nhưng trong sản phẩm khai thác có lẫn cá cơm như nghề lưới kéo đôi. Đây được cho là những lý do chính làm cho sản lượng cá cơm Phú Quốc khai thác bằng nghề lưới vây trong những năm gần đây sụt giảm nhanh chóng.
Sản lượng cá cơm đã sụt giảm, lại bị tranh mua tranh bán khiến nguồn nguyên liệu càng trở nên khan hiếm hơn. Nếu trước đây, sản lượng cá cơm khai thác hàng năm chủ yếu phục vụ cho các nhà thùng chế biến nước mắm (chiến 70-80%), còn lại bán cho các doanh nghiệp chế biến khô cá cơm. Tuy nhiên, thời gian gần đây có thêm nhiều đầu mối thương lái ngoài tỉnh chuyên thu mua cá cơm tươi với giá cao, dùng hình thức bảo quản lạnh đưa vào bờ để chế biến xuất khẩu. Việc này đẩy giá cá cơm nguyên liệu lên cao, từ 17-18 ngàn đồng/kg, trong khi giá cá cơm ướp muối để làm nước mắm thường chỉ 10-11 ngàn đồng/kg, gây ra sự cạnh tranh.
Để bảo vệ nguồn lợi cá cơm trước nguy cơ cạn kiệt, TS. Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở KH-CN Kiên Giang đề xuất: “Trước mắt phải giảm cường độ khai thác đối với nghề khai thác cá cơm. Điều chỉnh cơ cấu nghề khai thác phù hợp đối với nhóm cá cơm. Cấm nghề lưới kéo khai thác ở tuyến ven bờ. Cần có quy định cường độ ánh sáng của nghề lưới vây, đặc biệt là ở các tháng thuộc mùa sinh sản chính. Bảo vệ các sinh cảnh nhạy cảm ở vùng biển ven bờ liên quan tới bãi đẻ của các loài cá…”.
Kiên Giang đang gấp rút triển khai dự án điều tra, sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng của tỉnh, nhằm phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản và khả năng khai thác cho phép thuộc từng vùng biển quản lý, hướng đến khai thác thủy sản bền vững. Đẩy mạnh thực hiện nôi dung, giải pháp theo Đề án quản lý nghề lưới kéo trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2016-2020), trong đó tập trung vào giải pháp giảm thiểu sản phẩm khai thác ngẫu nhiên (cá tạp) của nghề lưới kéo, trong đó có cá cơm. Tăng cường kiểm tra kích thước mắt lưới của nghề lưới kéo đôi, không chỉ bảo vệ nguồn lợi cá cơm mà còn các loài thủy sản khác, đồng thời kiểm tra nghiêm ngặt các tàu khai thác kết hợp ánh sáng phải đảm bảo sử dụng công suất nguồn sáng đúng quy định.
Kiên Giang đang nghiên cứu hợp tác với Thái Lan xây dựng dự án thí điểm thả rạ san hô nhân tạo trong vùng biển thuộc khu bảo tồn biển Phú Quốc, nhằm tạo nơi cư trú, sinh sản và phát triển của một số loài thủy sản, góp phần và tái tạo nguồn lợi thủy sản.
NNVN