Kỹ thuật nuôi

Cần khắc phục “lỗ hổng” trong nuôi tôm siêu thâm canh ở Cà Mau

Thứ ba, 04/09/2018 09:00 lượt xem: 1005

 

Cần khắc phục “lỗ hổng” trong nuôi tôm siêu thâm canh ở Cà Mau

Thu hoạch tôm nuôi siêu thâm canh.​

Ngoài xả thải chưa qua xử lý triệt để gây ô nhiễm ra môi trường bên ngoài, dịch bệnh lây lan…, qua kiểm tra thực tế của cơ quan chức năng, có đến 50% diện tích và số hộ nuôi tôm siêu thâm canh (tôm công nghiệp công nghệ cao) tại Cà Mau chưa đáp ứng các điều kiện nuôi theo quy định. Đây là những “lỗ hổng” phương hại và nguy cơ đe dọa đến tính bền vững của nghề nuôi tôm tại vựa tôm lớn vùng ĐBSCL và cả nước...

Thông tin trên được các chuyên gia đầu ngành nêu rõ tại Hội thảo khoa học về thực trạng và giải pháp nuôi tôm siêu thâm canh (STC), do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Cà Mau tổ chức vào ngày 28-8. Hội thảo nhận được sự quan tâm của gần 130 giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học cùng đại diện các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người nuôi tôm siêu thâm canh trong và ngoài tỉnh.

Theo TS Nguyễn Việt Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, con tôm là mặt hàng chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam, chiếm 50% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành. Kim ngạch xuất khẩu cả nước những năm gần đây luôn đạt 3-4 tỷ USD/năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau đã đóng góp hơn 1,1 tỷ USD, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Cà Mau là tỉnh có thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản. Để đạt mục tiêu xuất khẩu 2,1 tỷ USD vào sau năm 2021, ông Thắng cho rằng, Cà Mau cần có sự thay đổi mạnh mẽ từ công tác quản lý ngành đến tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, hình thành chuỗi giá trị con tôm… Trong đó, cần lấy công nghệ cao làm phương châm phát triển bền vững, giúp người nuôi tôm tiếp cận, ứng dụng được các tiến bộ khoa học một cách hiệu quả và bền vững nhất.

Sau nhiều năm manh nha thí điểm, đến nay, diện tích nuôi tôm STC ở Cà Mau phát triển lên hơn 1.840 ha, tỷ lệ nuôi thành công đạt hơn 85%, năng suất bình quân đạt từ 30 – 50 tấn/ha/vụ, có nơi đạt hơn 100 tấn/ha/vụ. Nuôi tôm STC trở thành một trong những mũi nhọn của tỉnh Cà Mau khi đóng góp khoảng 15% tổng sản lượng tôm nuôi trong toàn tỉnh, góp phần đưa tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt của tỉnh đạt 350 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu hằng năm hơn 1,1 tỷ USD.

Theo dự báo, loại hình nuôi tôm STC ở Cà Mau khả năng phát triển lên 5.000 ha vào năm 2020, và đạt 10.000 ha vào năm 2030. Tuy nhiên, hiện loại hình nuôi này đang tồn tại nhiều quy trình nuôi khác nhau, chưa có quy trình chuẩn, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Không ít nông hộ không am hiểu quy trình kỹ thuật, thiếu vốn đầu tư, diện tích đất nhỏ, không đáp ứng các quy định nuôi nhưng vẫn “lao đầu” vào nuôi tôm STC, hiệu quả mang lại không chỉ thấp mà còn phương hại đến môi trường nuôi của các hộ quanh vùng. Một tồn tại khó xử lý hiện nay của nghề nuôi tôm ở Cà Mau là chất lượng con giống, thức ăn, thuốc thú y - thủy sản, giá cả đầu vào cao, đầu ra bấp bênh dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp.

Thẳng thắn nhìn nhận về thực trạng nuôi tôm STC tại địa phương mình đang quản lý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, công tác quy hoạch vùng nuôi tôm STC tập trung đã triển khai từ lâu nhưng chưa được phê duyệt. Hiện, vùng quy hoạch và không quy hoạch đều giống nhau. Tỉnh đang tìm giải pháp dồn điền, đổi thửa để có vùng nuôi tập trung, đầu tư hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện thu hút và tránh tình trạng người nuôi tôm STC phân tán.

Để tháo gỡ khó khăn, ông Lê Văn Sử đề ra giải pháp: Đối với vùng nuôi tập trung nhưng chưa được phê duyệt, trước mắt, Sở NN-PTNT định hướng cho người dân biết quy hoạch và tuân thủ các quy định của vùng nuôi, cũng như bảo vệ môi trường. Về lâu dài, cần UBND tỉnh quyết liệt trong triển khai điều kiện nuôi tôm STC nhằm tháo gỡ các “lỗ hổng” đe doạ đến tính bền vững của nuôi tôm. Để làm được việc trên, ông Sử cho biết phải xúc tiến thực hiện việc liên kết ngang và liên kết dọc. Liên kết ngang là thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã; liên kết dọc là tạo nên chuỗi tiêu thụ.

Hữu Tùng Báo Nhân Dân

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch